Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội cũng như tình hình tội phạm. Vậy hoạt động của tội phạm ma túy có những diễn biến, phương thức thủ đoạn mới ra sao?
- Thời gian qua, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ để thực hiện phòng chống dịch nên ma túy qua tuyến đường bộ đã được hạn chế phần nào.
Trên tuyến hàng không, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh khám phá nhiều đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước… về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ lượng lớn các loại ma tuý. Điển hình như chuyên án bắt giữ 127 kg ma túy từ Châu Âu về Việt Nam vào giữa tháng 4/2021.
Với tuyến hàng không, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm cũng như không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài. Bởi các đối tượng sử dụng thủ đoạn rất tinh vi. Tên, địa chỉ người gửi ở Châu Âu, người nhận ở Việt Nam đều là giả, số điện thoại sim rác. Người đến nhận hàng là người được thuê như các shipper… Nếu phát hiện “có biến”, các đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, không ra nhận. Vì vậy, số vụ “vô chủ” chiếm tỷ lệ cao…
Tuyến đường biển cũng đang nổi lên là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy. Các đối tượng phạm tội lợi dụng tuyến này để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi.
Hiện chúng ta đang có lỗ hổng trong kiểm soát ma túy tuyến đường biển, với hàng trăm tấn container tại các cảng, như một “ma trận” vậy, việc kiểm soát dường như không xuể.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đối tượng còn sử dụng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy. Qua trao đổi với cảnh sát các nước, có thể có những chuyến hàng đi qua vùng biển chúng ta, tuy nhiên việc phát hiện, bắt giữ còn rất hạn chế, khó khăn.
C04 sẽ tiếp tục phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp thích hợp.
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (PCMT) đã được Quốc hôi khóa XIV thông qua trong Kỳ họp thứ 11 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố mới đây. Xin ông cho biết một số điểm mới cơ bản của Luật PCMT? Để đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, C04 có kế hoạch gì?
- Luật PCMT sửa đổi có những điểm mới cơ bản như: Thống nhất quản lý nhà nước về PCMT; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong PCMT; bổ sung quy định xác định rõ cơ quan chuyên trách PCMT thuộc CAND, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan; cụ thể hóa quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; sửa đổi căn bản quy định về công tác cai nghiện; quy định mới về quản lý sau cai nghiện….
Đáng chú ý nhất là bổ sung một Chương mới về Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
C04 đang tham mưu tổ chức triển khai thi hành Luật PCMT sửa đổi, trong đó tập trung xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền các Nghị định, Thông tư liên bộ, Thông tư chuyên ngành hướng dẫn thi hành để bảo đảm đầy đủ hành lang pháp lý và đưa Luật vào thực tiễn đời sống khi có hiệu lực vào 01/01/2022.