Tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho hay, trong báo cáo của Bộ có nêu tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn xảy ra nhiều, ở nhiều nơi, nhất là ở khu đô thị… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng trên trong thời gian qua và giải pháp để khắc phục tình trạng trong thời gian tới.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, trên thực tế, những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực địa phương trên địa bàn cả nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi chúng ta đang hội nhập rất sâu và rộng với thế giới thì những câu chuyện này ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn, thậm chí là còn được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và thể hiện rõ qua vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tổng cục quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Cũng chính vì những yêu cầu này, trong Pháp lệnh thị trường cũng đã yêu phải sớm thống nhất tổ chức một lực lượng thường nhật và quản lý thị trường theo ngành dọc đảm bảo yêu cầu hiệu quả trong phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất.
“Có thể nói, quản lý thị trường đang tiếp tục phát huy được vai trò của mình, nhất là thông qua hàng loạt các cơ chế phối hợp với địa phương, quy chế phối hợp, cơ chế phối hợp với các lực lượng chuyên ngành như là bộ đội biên phòng, hải quan và các lượng chức năng của công an kinh tế khác”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, lực lượng chức năng đang tổ chức những cuộc đấu tranh có trọng tâm và trọng điểm tại một số khu vực, địa bàn trọng điểm, như Đồng Tháp và An Giang trong việc thuốc lá lậu, trong việc nhập lậu; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Khánh Hòa và rất nhiều trung tâm khác về các mặt hàng giả, về sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng.
“Tới đây chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như của y tế của các bộ, ngành có chức năng liên quan để kiểm soát về các thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cũng như là các mặt hàng chữa bệnh để chúng ta có những biện pháp đấu tranh hữu hiệu”, ông nói.
Về trách nhiệm cá nhân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ: “Tại diễn đàn QH này, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua là chưa quán xuyến và chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh những mặt hàng gian lận và hàng giả, hàng kém phẩm chất này”.
Người đứng đầu ngành công thương cam kết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng của quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa trách nhiệm mình trong chủ động và phối hợp với các địa phương cũng như với các lực lượng chức năng của đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Lỗ hổng pháp luật dẫn đến các vụ Asanzo, Khải Silk
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” nhái hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam.
Theo ĐB, có lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam.
“Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, như vậy đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, “doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà” là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?”, ĐB nói.
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp sáng 7/11. |
Cụ thể là, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan và các Nghị định hướng dẫn phạm vi quản lý địa bàn hải quan cũng như các hàng hoá nhập khẩu liên quan đến Luật Hải quan này, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 43 cũng trong khuôn khổ của luật này…
Bộ Công Thương cũng đã có những hướng dẫn và thông tư cụ thể để cụ thể hóa những việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như tăng cường kiểm soát việc cấp CO chứng nhận xuất xứ này.
Bộ Công Thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hoá lưu thông trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các văn bản và Nghị định 31 hướng dẫn về Luật quản lý ngoại thương thì còn có Nghị định 43 để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác, ghi nhãn mác cũng như các hàng hóa sản phẩm lưu thông trong nước.
Tuy nhiên, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như phần xuất xứ hàng hoá và để phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước.
“Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng. Chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khaisilk trước kia và sau này có những câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng của sản xuất nội địa dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà trong đó đã chứng kiến câu chuyện như của Asanzo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước.
Đưa văn bản pháp quy vào cuộc sống
Thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đó là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái và chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này.
Bộ trưởng Công thương cũng thống nhất với quan điểm của các ĐBQH về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Trần Tuấn Anh, dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đang xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.
“Không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt thực sự. Đây là vấn đề phức tạp, mới được 2 tháng nay, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các ĐBQH và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết không thờ ơ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông, cuối năm nay, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở, phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của thông tư để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành, có hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống.