Hình minh họa |
Từ lỗ thành lãi
4 năm hoạt động (2007- 2010), Cty TNHH Sung Shin Vina (Hàn Quốc) có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 2, Bến Cá, Bình Dương báo lỗ liên tục với số lỗ lũy kế lên tới 55 tỷ đồng. Mặc dù lỗ DN này lại liên tục mở rộng sản xuất với doanh thu năm 2010 tăng gấp 33 lần so với năm 2007.
Theo cán bộ Cục thuế Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ này là do DN đã nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của công ty mẹ hoặc từ các chi nhánh của công ty mẹ với giá cao hơn rất nhiều so với giá mà các DN cùng ngành nghề nhập về. Tuy nhiên sản phẩm (môtơ điện các loại) xuất bán cho công ty mẹ hoặc giao hàng cho các công ty khác theo chỉ định của công ty mẹ bình quân trong các năm từ 2007-2010 đều thấp hơn giá thị trường 10-15%.
Từ những nghi vấn đó, Cục Thuế Bình Dương đã thu thập, đối chiếu thông tin..., cuối cùng DN này đã đồng ý xác định lại giá bán sản phẩm của công ty cho công ty mẹ theo giá thị trường. Từ chỗ lỗ lũy kế hơn 55 tỷ đồng, công ty đã có lãi hơn 88 tỷ đồng.
Trước đó, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng cũng “đau đầu” với việc 17 DN FDI trong lĩnh vực trồng và chế biến chè khai lỗ nhiều năm liên tục, trong đó nhiều đơn vị lỗ gần hết vốn đầu tư, ngoài ra còn các khoản phải trả rất lớn. Số lỗ lũy kế đến 31/12/2009 là 317 tỷ đồng, trong đó số lỗ lũy kế còn trong hạn chuyển lỗ là 264 tỷ đồng. Lỗ như vậy nhưng thực tế các DN này không những hoạt động bình thường mà họ còn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, thuê thêm đất trồng chè...
Thông qua nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, phân tích hồ sơ Cục Thuế Lâm Đồng nhận thấy các đơn vị trên có biểu hiện bất thường trong kê khai thuế. Cục Thuế Lâm Đồng đã tiến hành các bước kiểm tra chống chuyển giá, kết quả đã xử lý hết số lỗ trong hạn được chuyển lỗ để trừ vào thu nhập chịu thuế hơn 258 tỷ đồng, từ đó xác định được các DN đã có lãi từ năm 2005 hoặc 2006
Phơi trần thủ đoạn
Bấy lâu nay các DN FDI vẫn được đánh giá là có hệ thống hạch toán kế toán chuẩn mực được thừa hưởng từ công ty mẹ, thế nhưng kết quả thanh tra thực tế khiến cho không ít người phải nghi ngờ. Ngoài “mánh” cũ là DN ký hợp đồng mua bán khép kín với công ty mẹ tại nước ngoài, hoặc thực hiện mua bán lòng vòng với các công ty trong cùng một nhóm đã được đưa ra ánh sáng, thì rất nhiều trường hợp DN hạch toán chi phí trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng chưa đúng quy định; chi phí không có hóa đơn, chứng từ, vượt định mức; hay hạch toán chi phí không phục vụ SXKD; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; hạch toán chi phí lãi vay không đúng quy định; hạch toán sai chi phí chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và chuyển lỗ không đúng quy định; nâng khống giá trị tài sản góp vốn vào công ty liên kết làm tăng chi phí khấu hao; thậm chí ghi khống dịch vụ, hay… quên hạch toán.
Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời báo PLVN, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ hị Mai thừa nhận, đây là một trong những vấn đề “nóng” mà ngành thuế đang tập trung thanh tra trong năm nay. Tính đến hết tháng 9, số lượng cuộc thanh kiểm tra về chuyển giá đã chiếm tới 17,2% các cuộc thanh kiểm tra mà Bộ Tài chính đã tiến hành từ đầu năm, cao gấp 10 lần so với năm trước. “Kết quả bước đầu của việc chống chuyển giá không chỉ nằm ở các con số, mà còn tạo ra tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với các DN”- Bà Mai khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trong một phát biểu mới đây cũng khẳng định việc kiểm tra sát sao các DN FDI lần này không chỉ là truy thu cho ngân sách mà hướng tới một môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, giúp DN quản trị tốt hơn, nghiêm túc chấp hành pháp luật. Cũng là để DN có được con số lợi nhuận thực sự bảo đảm quyền lợi của cổ đông, với DN liên doanh thì có cổ đông là Nhà nước.
Theo kế hoạch, năm nay có 1276 DN FDI trong diện thanh tra, tăng gấp 10 lần kế hoạch năm 2010 và chiếm 14,5%/ 8.800 DN FDI đang hoạt động ở Việt Nam. 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thanh tra 585 DN, trong đó, có 494 DN vi phạm, chiếm 84%.
Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, theo Chiến lược cải các hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2015, trong năm 2011, ngành thuế sẽ xây dựng hệ thống tiêu chí rủi ro để phân tích, nhận dạng rủi ro về thuế phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế; xây dựng và triển khai thực hiện tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng thanh tra chống chuyển giá đối với hoạt động giao dịch liên kết; bổ sung những nội dung quy định về thủ tục, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thực hiện đôn đốc thu nợ thuế, đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức quản lý thuế theo chức năng... |
Thanh Thanh