Tái cơ cấu ngân hàng đã “rậm rạp” bước sang giai đoạn 2. Thông tin NHNN đưa ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây, có 6 ngân hàng sẽ trong diện phải sáp nhập đợt tới.
Thanh lọc sớm những ngân hàng yếu kém chính là cách thức để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Ai cũng biết trong một thời gian dăm năm trở lại đây, các ngân hàng được ồ ạt cấp phép thành lập hoặc lên đời từ nông thôn sang đô thị. Việc nhiều “ông chủ” coi ngân hàng như một “sân sau” để làm cơ hội huy động vốn rồi đầu tư vô tội vạ, tràn lan vào các dự án bất động sản, khu công nghiệp đã và đang gây những “hệ luỵ” không nhỏ cho nền kinh tế.
Một chuyên gia đơn cử có ông chủ ngân hàng bằng nhiều “chiêu” cách đã có mặt trong nhiều nhà băng mà ông ta hay nhóm thân tín nắm giữ quá mức cho phép để chi phối các ngân hàng. Thậm chí, bên cạnh những nguy cơ về thanh khoản, nợ xấu, an toàn của hệ thống thì những ngân hàng yếu kém này còn “xé rào” quy định để cho vay với chính các DN mà các ông chủ ngân hàng hay những người liên quan của chủ sở hữu vay vốn với số lượng lớn.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2012, hầu hết các ngân hàng trong nhóm 1 và 2 đều nhanh nhảu “lên tiếng khoe” văn bản phân loại chỉ tiêu tín dụng. Chỉ tiêu này không vô cớ mà phân, căn bản nó được “xét” trên sức khoẻ của ngân hàng qua “khám” bệnh các bộ phận như: tổng tài sản thực còn so với sổ sách, vốn chủ sở hữu thực còn so với vốn điều lệ, chất lượng tài sản, nợ xấu khó đòi.
Điểm mặt những ngân hàng “im tiếng” lúc đó chỉ có NaviBank (NHTM CP Nam Việt), Habubank (ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội), NH TMCP Đại Tín (Trustbank), GPBank (ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu), Tien Phong, WesternBank (Ngân hàng TMCP Phương Tây), Saigonbank (ngân hàng Sài Gòn Công Thương), SCB (ngân hàng TMCP Sài Gòn), VN Tín Nghĩa…
Nếu tính 3 ngân hàng đã sáp nhập đợt 1 là cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa thêm hai ngân hàng chủ động tái cơ cấu là Tienphongbank và Habubank, phương pháp loại trừ cũng đã cho ra những cái tên nhiều khả năng trong đợt tới.
Tại Diễn đàn VBF 2012 ngày 29/5 vừa qua, vấn đề cấp thiết được các nhà tài trợ đặc biệt yêu cầu là Việt Nam cần tăng tốc quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; trong đó, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Về phần mình, NHNN cho biết hết sức tôn trong sự tự nguyện và sẽ hỗ trợ tối đa các ngân hàng trong tái cơ cấu. Còn các ông chủ ngân hàng yếu thì sao? Đã đến lúc nên dũng cảm bước ra ngoài ánh sáng…!
Hồng Hương