Dự án cầu Bạch Đằng 2 đang được triển khai tại hai địa điểm là xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Với tiến độ thi công ngày đêm, nỗ lực vượt nắng thắng mưa, đạp bằng mọi trở ngại về thời tiết, độ hiểm trở của dòng chảy, thuỷ văn phức tạp, các đơn vị thi công đã tiến hàng hợp long các khối bê tông cầu, xoá tan cách trở đôi bờ. Hiện nhà thầu phấn đấu đưa cầu Bạch Đằng 2 vào khai thác từ ngày 2/9 tới đây theo đúng kế hoạch.
Khi cầu hoàn thành sẽ tạo kết nối hai trục đường huyết mạch ĐT.747 TP.Tân Uyên và ĐT.768 thuộc huyện Vĩnh Cửu. |
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, dự án cầu Bạch Đằng 2 là cây cầu vượt sông Đồng Nai, có ý nghĩa chiến lược, nối đôi bờ cách trở đang dần hình thành, khi khánh thành đi vào hoạt động, cầu Bạch Đằng 2 sẽ xoá tan mọi cách trở liên vùng của 2 tỉnh động lực phía Nam là Bình Dương - Đồng Nai.
Ông Hoàng Năng Tuân, Chỉ huy trưởng công trình cho biết sau khi triển khai được mặt bằng ở 2 phía Đồng Nai và Bình Dương thì khó khăn tiếp đến là thời tiết, nhận được mặt bằng đúng đúng thời điểm mùa mưa đến thì công tác thi công nhà thầu gặp khó khăn. Nhưng với tinh thần cố gắng hết mức, tiến độ cũng đã cơ bản hoàn thành.
Hợp long cầu Bạch Đằng 2 nối 2 tỉnh Bình Dương – Đồng Nai, dự kiến đến ngày 2/9 tới sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và đưa vào sử dụng. |
Đến nay, đơn vị đã huy động nhiều nhân sự, máy móc để tăng tốc phục vụ thi công và quá trình thi công thì chia ca, kíp, nhà thầu đã huy động đồng loạt tất cả các mũi thi công trên cả 2 phía Đồng Nai, Bình Dương. Tính đến thời điểm này thì công trình cầu Bạch Đằng 2 đã đạt khoảng tầm 85% tiến độ, tập trung dự kiến đến ngày 2/9 tới sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và đưa vào sử dụng.
Việc xây dựng cầu này qua sông Đồng Nai có ý nghĩa chiến lược quan trọng, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực. Đặc biệt, dự án này sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp cho việc tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Các đơn vị thi công tập trung nhân lực cũng như máy móc cỡ lớn trên công trường. |
Khi cầu hoàn thành sẽ tạo kết nối hai trục đường huyết mạch ĐT.747 TP.Tân Uyên và ĐT.768 thuộc huyện Vĩnh Cửu. Cầu Bạch Đằng 2 không chỉ giúp kết nối hai địa phương một cách thuận lợi mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công trình này không chỉ là một phần quan trọng của mạng lưới giao thông đường bộ mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực.
Ông Trần Ngọc Minh, công nhân thi công bên phía dự án T2 Bình Dương chia sẻ “Anh em công trình ở đây đều là người ở nơi khác đến. Chúng tôi cùng với lãnh đạo công trình lao động không kể ngày đêm, mưa gió. Mưa mà nhỏ thì coi như không mưa, mưa lớn thì mặc áo mưa vô làm, mới kịp tiến độ được”.
Ông Trần Ngọc Minh, công nhân thi công bên phía dự án T2 Bình Dương. |
Anh Bắc, người dân xã Bạch Đằng cho biết, người dân địa phương ai ai cũng mong muốn cầu sớm đưa vào sử dụng, được đặt chân trên cây cầu mơ ước, giúp nối liền đôi bờ. Sau khi cầu đi vào hoạt động, các con đò ngang sẽ đi vào quá khứ, kết thúc những ngày đi đò cách trở, hiểm nguy rình rập khi mưa bão. Có cầu, chắc chắn giúp người dân 2 địa phương dễ dàng đi lại, kinh tế sẽ tốt hơn.
Cầu Bạch Đằng 2 với tổng mức đầu tư dự án gần 500 tỷ đồng, từ vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Dự án bao gồm 2 gói chính là xây lắp, giải phóng mặt bằng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên mỗi địa bàn. Dự án cùng hai dường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km trong đó, cầu dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.