Sáng qua, tại Đồng Nai, Ban chỉ đạo quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ lần thứ 14 với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động.”
Thiệt hại 300 tỷ đồng
Khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số vụ tai nạn lao động, cháy nổ ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm 2011, cả nước xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 574 người, gây thiệt hại về vật chất hơn 300 tỷ đồng; trong đó 60% số vụ tai nạn do yếu tố chủ quan của con người.”
Năm qua, cả nước xảy ra gần 2.000 vụ cháy, nổ, làm chết 84 người, thiệt hại về tài sản gần 935 tỷ đồng và 2.000ha rừng. Bộ trưởng đề nghị, năm 2012, các bộ, ngành, đơn vị từ trung ương đến địa phương triển khai nghiêm túc chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ giai đoạn 2011-2015 nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các cơ quan cần tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ cao.
Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, thời gian tới các DN, người lao động cần nâng cao hơn nữa nhận thức về thiệt hại do tai nạn lao động và cháy nổ gây ra, coi việc xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm, và quyền lợi của của DN cũng như bản thân người lao động.
Còn ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: 6 năm qua, Đan Mạch đã tích cực giúp Việt Nam trong công tác thanh tra lao động và cải thiện điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp. Giai đoạn từ nay đến 2013, Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 10 triệu US D trong lĩnh vực này.
Nóng hổi một vụ tai nạn
Ngay trước buổi lễ ít ngày, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Cty CP tập đoàn gang thép Hàn Việt, Khu công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại lò thép số 9 của DN này, khi nhóm công nhân cho nguyên liệu vào lò đã không may gặp phải quả bom bi nên phát nổ.
|
Hiện trường vụ nổ lò thép. |
Hai anh Lương Văn Đạt quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội và Thân Văn Hùng-quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tử vong. Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã phải cấp cứu cho 5 bệnh nhân, bị thương trong vụ nổ gồm: Nông Xuân Định (39 tuổi), ở Tuyên Quang; Nguyễn Văn Hiếu (27 tuổi), ở Thái Nguyên; Nguyễn Văn Sáng (23 tuổi), ở Hà Tĩnh; Tạ Văn Toàn (37 tuổi), ở Thường Tín; Hà Mạnh Tuấn (30 tuổi), ở Phú Thọ.
Hai bệnh nhân Hiếu, Tuấn bị thương nhẹ ngoài da nên được sơ cứu rồi xuất viện. Ba bệnh nhân còn lại, qua chụp X-quang xác định có nhiều mảnh kim khí găm vào người nên chuyển lên khoa Ngoại điều trị. Sáng 12/3, 2 bệnh nhân đã được ra viện; riêng anh Tạ Văn Toàn bị một di vật xuyên vào bắp tay trái từ trước ra sau đang tiếp tục nằm điều trị.
Điều đáng bàn là, vụ nổ lò luyện thép tại Cty gang thép Hàn Việt không phải xảy ra lần đầu mà trước đó tại đơn vị này đã xảy ra một số vụ nổ gây thương vong cho công nhân. Ông Dương Ngọc Nam - Trưởng phòng LĐ – TB&XH huyện Thanh Trì cho biết, 10 lò luyện thép của Cty này đều đã cũ, công nghệ luyện lại rất thủ công.
Khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Cty còn quanh co, giấu giếm, thậm chí ngăn cản cả phóng viên vào tìm hiểu, thông tin. Theo Liên đoàn lao động huyện Thường Tín, vụ tai nạn xảy ra là đáng tiếc mặc dù trước đó Liên đoàn lao động huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai tới các công đoàn cơ sở tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2012 (phát động từ ngày 18 - 24/3).
Thực tế ấy cho thấy, dù năm nào cũng có lễ phát động rất rầm rộ, song tai nạn lao động vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, hậu quả rất nặng nề, đòi hỏi toàn xã hội cần có thái độ quan tâm nghiêm túc hơn…
Châu Phong