Nếu như cách đây vài năm, ca sĩ nào cũng mơ về một live show hoành tráng tại một không gian rộng thì bây giờ, các địa điểm này đã vắng dần. Lý do là vì live show hiện tại được chia theo hai dạng: cực sang hoặc cực bình dân.
Sự khác nhau của hai dạng live show này là nếu trước đây, tất cả khán giả được “gom” chung vào một đêm, thì bây giờ, các đêm diễn này đã phân khúc đối tượng khán giả rất rõ ràng.
Hoặc sang trọng, hoặc bình dân
Dấu mốc được nhiều người nhớ nhất cho show sang trọng đầu tiên là live show Có đâu bao giờ của Quang Dũng và Hồng Nhung, diễn ra tại Nhà hàng One the six (TP HCM) với sức chứa khoảng 100 người. Đây được xem là đêm nhạc dành cho giới thượng lưu khi giá vé lên đến ba triệu đồng. Nối tiếp sau đó là những đêm nhạc rất khu biệt khán giả như Love Jazz của Tùng Dương tại nhà hàng Bún Ta, Dạ tiệc trắng của Đàm Vĩnh Hưng tại White Palace, hay live show vào 14/1 tới của Mỹ Tâm tại Queen Palaza…
Các show sang trọng này có một điểm chung là giá vé hàng khủng, không gian hẹp, số lượng khán giả ít và khán giả thì không chỉ được nghe, xem mà còn được thưởng thức ẩm thực trong không khí ấm cúng. Không chỉn chu bằng nhưng những nimi show tại các phòng trà cũng nằm trong dạng này như: đêm nhạc của Ý Lan, Phương Dung, Khánh Hà, Tuấn Ngọc… tại phòng trà Tiếng Xưa, Đồng Dao… cũng có giá vé không thấp.
Quang Dũng, Dương Triệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng hát trong live show Dạ tiệc trắng của Mr Đàm. |
Đối trọng với những show này là các đêm diễn tại những địa điểm bình dân là sân khấu Cầu Vồng, Trống Đồng, Lan Anh... Ít ai nghĩ rằng ca sĩ có hiệu ứng về thương hiệu mạnh như Đàm Vĩnh Hưng cũng chọn Trống Đồng để làm live show. Đây cũng là địa điểm diễn ra live show của các ca sĩ khác: Thanh Thảo, Cẩm Ly, Hương Lan, Phi Nhung, Trường Vũ và ngày mai, 13/1, là live show Thiên đường vắng của Đan Trường. Với giá vé khá mềm, khoảng 100.000 đồng/vé, nên đây được xem là nơi dành cho khán giả bình dân.
Vẹn đôi dòng khán giả
Những show sang trọng thường được hiểu ngầm là nâng tầm giá trị cho ca sĩ, tuy nhiên không phải ai cũng đủ sức để thực hiện live show dạng này. Sự khó khăn không nằm ở mức tài chính hay mối quan hệ cá nhân để thu hút được khán giả sang mà là nội lực thật sự của ca sĩ, vì trong một không gian hẹp, đồng nghĩa với khoảng cách gần, những yếu điểm của các ca sĩ sẽ dễ dàng bị nhận ra. Đây cũng là không gian mà các ca sĩ không thể cầu cạnh đến sự hỗ trợ của kỹ thuật máy móc hay nhóm bè, vũ đoàn…
Sự phân khúc khán giả là điều được nhìn thấy ở hai ngả rẽ này. Bởi, với đối tượng khán giả sang trọng, đặt nặng vấn đề nghệ thuật và xem trọng không gian thưởng thức thì các sân khấu bình dân không phải là sự lựa chọn vì sự ồn ã vốn có của nó. Ở các sân khấu này, tính giao lưu và làm vừa lòng fan ruột vẫn là trọng điểm. Còn với show sang, không phải ai cũng đủ sức tham dự vì giá vé luôn cao quá một tháng thu nhập của công nhân bình thường.
Dĩ nhiên, sang trọng hay bình dân còn tùy vào chiến lược phát triển của ca sĩ. Nhưng sự phân khúc này không chỉ mang đến một không gian thưởng thức đúng “gu” khán giả mà còn là cách để các ca sĩ định vị được chỗ đứng của mình. “Live show dạng này cũng giúp các ca sĩ không phải chịu lỗ vì đầu tư quá nhiều về sân khấu, về dàn dựng… như ở các sân vận động lớn”, Hoàng Tuấn, ông bầu của ca sĩ Đan Trường cho biết.
Đất Việt