Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập
Trong văn bản mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đánh giá, trước yêu cầu phát triển VHTTDL trong tình hình mới, công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Các điều kiện THPL chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành pháp luật có lúc, có chỗ chưa nghiêm, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Để tăng cường công tác tổ chức THPL về VHTTDL, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ VHTT&DL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở VHTT&DL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong mọi hoạt động chuyên môn và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về VHTTDL, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức THPL.
Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức THPL. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức THPL. Tăng cường theo dõi, đánh giá tình hình THPL để có đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức THPL, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về VHTTDL.
Chủ động, kịp thời rà soát văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, trái pháp luật, gây cản trở sự phát triển.
Chấn chỉnh những hiện tượng không phù hợp với văn hóa truyền thống
Ngoài yêu cầu trong công tác tổ chức THPL như trên, Bộ VH, TT&DL cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan nhằm việc chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống.
Theo đó, thời gian qua, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, tổ chức đồng bộ và cụ thể hóa. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn những hiện tượng, sự việc phản cảm.
Để chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Bộ VHTT&DL đề nghị Sở VHTT&DL, Sở Du lịch… các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước… về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác quản lý văn hóa, các vấn đề hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hóa dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.