Kết nối không gian hư thực
Với tuổi thơ tôi, Tết lại rất dài, bắt đầu từ ngày đưa ông Táo và kéo dài đến ngày mồng Ba. Hai tuần sau lại có thêm cái tết phụ vào dịp rằm Nguyên tiêu.
Ngày mà chúng tôi náo nức trông chờ nhất trong năm không phải lúc giao thừa mà chính là ngày đưa ông Táo. Nội tôi cúng rất đơn giản, chỉ mấy viên thèo lèo hay xôi nước và hoa quả nhang đèn. Nhưng với niềm tin đôn hậu của người phụ nữ nông thôn, nội tôi quan niệm sau ngày đưa ông Táo là thời gian cho con cháu “xả cảng”.
Một tuần lễ từ lúc đưa ông Táo đến lúc đón giao thừa và rước ông Táo về nhà là khoảng thời gian tự do, không có ai dòm ngó, lũ trẻ tha hồ đùa vui chạy nhảy trèo cây phá phách mà không bị rầy rà. Trẻ con thời ấy vốn được quản rất nghiêm, việc được tự do quả là niềm vui lớn nhất.
Hai ngày sau, không khí Tết lại được khơi lên bằng việc đi tảo mộ ông bà ngày 25 tháng Chạp. Cũng cánh đồng đó, cũng ruộng lúa đó hàng ngày chúng tôi vẫn cắm câu, vét hầm, đào hang bắt chuột ấy vậy mà vào ngày tảo mộ, cả cánh đồng như đông đúc và trang nghiêm hẳn.
Từ sáng sớm, mặt trời chưa ló rạng, người ta đã túa ra đồng. Những ngôi mộ nằm im vắng cả năm cô quạnh chợt như “thức dậy đầy sinh khí” với hàng đoàn con cháu tụ về khói hương nghi ngút. Những gương mặt ông chú, ông bác, nhiều năm xa vắng thỉnh thoảng lại hiện về trong ngày này mang theo dáng dấp, phong cách và những câu chuyện lạ lùng.
Thông thường sau khi quét dọn, chặt cây, rẫy cỏ, người ta lại vun thành đống đốt. Những làn khói lam buổi sáng nhẹ tỏa trên đồng mang theo mùi khói hăng hăng tạo ra không gian rất đặc trưng. Trong trí tưởng ngây thơ của trẻ con, chúng tôi không hiểu được ý nghĩa sự báo hiếu tôn kính tổ tiên, cũng chưa biết đặt câu hỏi có linh hồn, có cõi âm hay không. Nhưng qua dáng vẻ thành kính của người lớn thắp nhang lâm râm tưởng niệm, chúng tôi như lạc vào một thế giới nửa thật, nửa mộng mị liêu trai.
Nhắc nhở nghĩa vụ, tình cảm gia đình
Ngày 30 Tết là một cuộc chạy đua âm thầm giữa các gia đình trong xóm. Những người phụ nữ chăm chú nấu nướng, đám trẻ lăng xăng bưng bê mà đôi mắt lom lom nhìn phong pháo tiểu treo trước hiên nhà, nôn nao chờ giây phút hồi hộp run run cầm cây nhang châm vào ngòi pháo. Theo thông lệ, khi mâm bàn dọn xong, bà tôi đốt nhang cúng ông bà thì đứa cháu đích tôn là tôi sẽ được châm ngòi đốt pháo rước ông bà.
Cũng theo một “luật” bất thành văn nào đó, gia đình nào rước ông bà về sớm nhất sẽ là người hiếu thảo, vì vậy ai cũng nơm nớp lo ngại phải nghe tiếng pháo của nhà khác nổ trước nhà mình. Em ruột tôi, những đứa em con chú cứ chăm chăm nhìn vào tôi với vẻ thèm thuồng kính trọng.
Có lẽ trên đời này hạnh phúc duy nhất của vai trò đứa cháu đích tôn chính là ở phút giây này. Thỉnh thoảng tôi cũng chia sẻ với mấy đứa em cái hạnh phúc ấy, nhưng với cái giá rất đắt, không thể tính bằng mấy viên bi hay là cái ná bằng chạc ổi đã lên nước bóng ngời.
Đêm giao thừa, lúc cúng ông bà cũng là lúc rước ông Táo về mừng năm mới. Chu kỳ ghi chép sổ sách của ông bắt đầu cũng là chu kỳ chúng tôi phải khép mình vào khuôn phép. Nhưng nỗi buồn chấm dứt thời kỳ “xả cảng” tự do được đền bù bằng những phong bao lì xì, nên không khí háo hức vẫn căng tràn. Mỗi đứa chúng tôi đều ôn trong bụng những câu chúc “tủ” và moi óc tìm những câu chúc mới thật độc, để được nhận cái bao lì xì dày nhất của bà.
Hài hòa với tạo vật, thiên nhiên
Trái với tục hái lộc ở nhiều nơi, quê tôi, khi bắt đầu rước ông bà là cũng bắt đầu thời điểm Tết vườn. Bà nội tôi đặt một mâm bánh mứt ở ngoài vườn và dán vài tờ giấy vàng bạc lên cây vú sữa và cây mai trước nhà. Kể từ giờ này đến ngày mồng Ba, tuyệt đối không được hái quả, lá cây trong vườn.
Lối sống cây nhà lá vườn, khi cần cọng hành, cần trái chanh, trái ớt... ra vườn hái phải tạm ngưng trong mấy ngày này. Những bà nội trợ không chỉ phải dự trữ những thứ hàng hóa mua sắm ngoài chợ mà còn phải dự trữ cả những thứ có sẳn trong vườn.
Không chỉ với cây trái mà cả nông cụ nữa. Bà tôi dán giấy vàng bạc lên cái cối giã, giải thích một cách hồn hậu rằng: “Nó đã làm cho mình cả năm, giờ mình nghỉ ngơi ăn Tết, cũng phải lì xì, cũng phải cho nó nghỉ ngơi ăn Tết”. Cả xóm đều làm như vậy. Những nhà có trâu cày cũng cho trâu ăn Tết bằng những bó rơm, bó cỏ ngon nhất và cũng dán cho nó mấy giấy tờ vàng bạc.
Với phương tiện in ấn và quan niệm thời đó, giấy vàng bạc không mang hình dáng đồng tiền cụ thể như bây giờ mà chỉ mang tính biểu tượng. Đó là một tờ giấy súc (loại giấy xốp, bở, rẻ tiền nhất) hình vuông, phết lên chút nhũ màu vàng. Bây giờ đã có tuổi, trải nghiệm những quan niệm tôn giáo tâm linh khác nhau, tôi lại thấy tập tục ấy nhân hậu và văn minh hơn cách lạm dụng những đồng tiền USD âm phủ hay cái thói xấu phi tâm linh, phi văn hóa là vặt trụi cây lá ở các đền chùa, khu công cộng.
Mồng ba là ngày cúng kiếu ông bà, đồng thời cũng cúng cả đất đai thổ trạch. Với người nông dân Nam bộ, hiếm ai thờ ông địa hay thần tài thành bàn thờ riêng, cố định mà chỉ cúng đất đai vào các lần giỗ Tết.
Mâm cúng đất đai cũng giống như thức cúng ông bà, nhưng đặt ở giữa nhà và riêng món cơm được bới trong năm chén. Một lần nữa cách cúng này cho thấy niềm tin tâm linh hồn hậu của con người hài hòa, gắn bó với thiên nhiên. Việc cúng đất đai như một sự trả ơn, một sự giao hòa gắn bó với không gian đang sinh sống, chứ không phải là sự cầu lợi bạc tiền hay may mắn.
Gắn kết cộng đồng
Nam bộ vẫn còn câu ca: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. Tục dựng nêu và hạ nêu đã mất sau mấy cuộc chiến tranh, nên hết ngày mồng Ba là ngậm ngùi chia tay với Tết. Nhưng vẫn còn đó một cái Tết khác, đó là ngày Tết nguyên tiêu mà quê tôi lại có Lệ Làm Chay, hay những làng xã khác có lệ cúng Kỳ Yên ở đình cũng kéo dài đến đôi bà ngày. Tùy theo cổ lệ của từng làng, hầu hết các ngày này các đình đều có rước hát bội để cúng đình và diễn miễn phí cho dân xem.
Đó là một cái tết phụ mà không khí sinh hoạt mở rộng ra cho cả cộng đồng. Tết nguyên đán người ta quần tụ, sum họp ở nhà, còn Tết nguyên tiêu người ta lại gặp nhau ở cộng đồng, đình, chùa.
Người ta không chỉ lo cúng kính trong gia đình riêng mà hợp sức cho ngày lễ cúng của cộng đồng. Tùy từng nơi có cách đóng góp khác nhau, riêng làng tôi, mỗi nhà đem tới đình một mâm xôi. Năm nào được ban tế cúng cắt lấy nhiều xôi, nội tôi mừng hớn hở, năm đó xôi của nhà làm khéo, được lấy nhiều.
Quê tôi có câu ca dao: “Dù ai bận bịu trăm bề. Làm chay 16 nhớ về Tầm Vu” như một lời nhắn nhủ không chỉ người tại quê hương mà cả những người ly hương dịp này quay về. Lần này, nội dung lễ cúng cũng không cầu vọng chuyện cá nhân mà hầu hết mang ý nghĩa cộng đồng, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Tin vào một cõi hư vô với niềm tin hòa hợp, sống thân thiện nhân ái với con người và tạo vật, môi trường chung quanh là hồn cốt của một cõi tâm linh trong cái Tết của người dân Nam Bộ.