Linh thiêng đền Suối Mỡ nơi sông Lục, núi Huyền

Suối Mỡ - không gian văn hóa, tâm linh giữa trời mây non nước, sông Lục, núi Huyền. (Ảnh minh họa)
Suối Mỡ - không gian văn hóa, tâm linh giữa trời mây non nước, sông Lục, núi Huyền. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Gửi về sông Lục, núi Huyền” là tên ca khúc do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác đã phác họa bức tranh toàn cảnh về Suối Mỡ (Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang). Từ trên cao nhìn xuống, Suối Mỡ là một dải lụa uốn lượn trong thung lũng của dãy Huyền Đinh - Yên Tử. Dân gian hiện vẫn lưu truyền truyền thuyết về nàng Quế Mỵ Nương - người có công khai mở dòng suối này. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đền Suối Mỡ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Nàng Quế Mỵ Nương - người mẹ núi rừng

Đền Hạ là một trong ba ngôi đền có diện tích lớn nhất khu du lịch Suối Mỡ. Trước cửa đền là núi Tai Voi, có tác dụng ngăn cho tà khí không bay vào đền được và giữ lại vẻ thanh tịnh của đền. Hiện nay, tại đền Hạ lưu giữ 3 pho tượng đồng quý hiếm, bên ngoài được phủ một lớp sơn bóng quang điện rực rỡ, uy nghi.

Truyện kể lại rằng: Thời Hùng Định Vương, vị Hùng Vương thứ 16 (có tài liệu ghi là Hùng Vương thứ 6) có một người con gái là Công chúa Quế Mỵ Nương vô cùng xinh đẹp. Nhiều vương công, quân tử đã đến cầu hôn nhưng nàng đều khước từ, chỉ thích du ngoạn khắp nơi, vừa ngắm xem phong cảnh, vừa thăm thú đời sống dân gian. Một ngày, Quế Mỵ Nương đến vùng núi non phía Tây Yên Tử, thấy cảnh đẹp kỳ thú, cây cối ngút ngàn xanh tươi, nhưng ruộng đồng dưới chân núi lại khô nẻ vì hạn hán, dân tình đói khổ, mệt mỏi vì thiếu ăn, thiếu mặc. Công chúa rất đau lòng, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh tìm nguồn nước. Núi dốc đứng, đường đi rất khó khăn. Đi mãi, ròng rã nhiều ngày, bỗng nhiên một trận gió lớn nâng Công chúa lên, đưa đến nguồn Suối Mỡ bây giờ thì hạ xuống.

Công chúa phải bấm năm đầu ngón chân xuống đá và từ vết lõm của các ngón chân nàng, nước mát tuôn chảy róc rách, rồi ngày càng chảy mạnh tạo nên 5 dòng thác nước chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Nước từ trong lòng núi cũng bị tiếng động đó đánh thức cùng đua nhau tuôn trào thành dòng, thành suối. Dòng suối tươi mát đó cung cấp cho đồng ruộng quanh năm xanh tốt, người dân nơi đây nhờ thế mà no ấm, giàu có lên.

Một ngày nàng gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, ông lão nói nàng quay về vực Mỡ thì ông sẽ truyền đạo. Vậy là Mỵ Nương quay về và ở tại vực Mỡ. Tới ngày 25 tháng 3 Công chúa Mỵ Nương ngồi thuyền rồng ra thưởng phong cảnh tại núi Thiên Thai rồi hóa tại đây. Dân chúng nơi đây vô cùng biết ơn nàng nên đã lập đền thờ để nhớ ơn nàng và tôn nàng là Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Cũng có tích kể lại rằng, Hoàng hậu An Nương sinh nàng bên gốc quế rồi mất. Vì vậy nàng còn được gọi là Quế Hoa. Do quá nhớ thương mẹ mà nàng đã trèo đèo, lội suối đi sâu vào rừng rậm để tìm được bóng dáng mẹ. Khi đi qua vực Mỡ thấy nơi đây hạn hán, dân chúng đói khổ, nàng động lòng trắc ẩn, quyết tâm tìm được dòng nước để giúp dân. Sau bao nhiêu ngày tìm kiếm, Mỵ Nương tìm thấy một hồ nước lớn nhưng chưa biết phải dẫn nước về bằng cách nào. Một ông lão râu tóc bạc phơ với khuôn mặt hiền từ, nhân hậu tiến đến. Ông lão đưa cho nàng một quyển sách học phép lạ cứu đời.

Sau khi luyện phép thành công, nàng tìm lên nguồn suối rồi xòe bàn tay ra ấn 5 ngón tay xuống đất. Từ chỗ 5 ngón tay của nàng nứt ra to dần. Sau đó trở thành dòng thác dẫn nước về vùng trũng cứu dân đang hạn hán. Nhìn thấy cây cối tươi tốt, dân trong vùng quay lại trồng trọt làm kinh tế, Mỵ Nương mới cùng thị nữ của mình bay về trời.

Dân làng ghi nhớ công ơn của nàng đặt tên dòng suối ấy là Suối Mỡ hay Suối Mẫu và lập 3 ngôi đền thờ trên dọc bờ suối, bao gồm: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Công chúa Quế Mỵ Nương được nhân dân phong tặng cái tên: Thánh Mẫu Thượng Ngàn - một nữ thần, một người mẹ núi rừng đầy quyền năng.

Cũng chính từ Suối Mỡ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh chặn đứng mũi tiến quân của quân xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long. Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền Trần. Tại đây còn khu di tích Ba Dinh, Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Suối đá mài gươm, Thao trường luyện kiếm…

Còn đó thác Thùm Thùm và lễ hội của dân làng

Cách Hà Nội chỉ hơn 90km, nằm sâu trong sườn núi trùng điệp thuộc phía Tây Yên Tử (Bắc Giang), Khu du lịch Suối Mỡ có diện tích trên 1.000ha là thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vỹ, hội tụ hai yếu tố về du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đó là sự kiến tạo tự nhiên của địa chất với những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau theo nhiều hình dáng, độ dốc đột xuất tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ. Thảm thực vật ở đây vô cùng xanh tốt có nhiều loại cây như tùng, bách, thông... mọc xen kẽ.

Men theo con đường mòn uốn lượn bên suối, ngoài đền Suối Mỡ, là những thắng tích như: Đấu Đong Quân, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc, đỉnh Tròi Xoan, bãi Quần Ngựa, thác Thùm Thùm... Từ đền Hạ lên đền Trung được dệt nên hệ thực vật khá đa dạng với những cánh rừng thông cùng nhiều loài cây bản địa…

Suối Mỡ bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi chảy len lỏi theo khe núi và lớn dần lên. Trong đó thác Thùm Thùm có lẽ ấn tượng hơn cả. Đây là thác đẹp nhất, cao nhất và còn có tên gọi khác là thác Chúa. Từ trên cao đổ xuống nên thác Thùm Thùm có vẻ đẹp huyền bí với những dòng nước trắng chảy xiết. Tiếng thác đổ còn tượng trưng cho tiếng trống, tiếng chiêng của Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc ngoại xâm. Làn nước trong mát khiến cho ai đến đây cũng muốn một lần vui đùa trong những bồn tắm tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên trong lành. Ngoài thác Thùm Thùm có thể kể đến thác Dội thuộc đền Trung, thác Ông Cuộc thuộc đền Thượng. Mỗi thác đều có những nét đẹp khác nhau, tạo nên quần thể Suối Mỡ đẹp huyền bí.

Hàng năm, tưởng nhớ đến công lao của nàng Quế Mỵ Nương, Lễ hội Suối Mỡ long trọng tổ chức vào ngày 30/3 và 1/4 âm lịch. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an và hạnh phúc.

Cũng như các lễ hội khác, Lễ hội đền Suối Mỡ gồm 2 phần. Phần lễ trang trọng với hoạt động lễ rước từ các làng đến các đền trong quần thể di tích Suối Mỡ. Làng Dùm có ngôi đình to cách đền Suối Mỡ hơn một km về phía Đông. Tinh mơ dân làng và quan viên đã tế lễ ở đình. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước trống giong, cờ mở qua đền Cây Xanh đến xế trưa thì tới đền Hạ. Cũng thời điểm ấy, dân làng Quỷnh cũng rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, đi qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị. Những năm hội lớn, lễ này thường mổ lợn to. Cuộc tế diễn ra ở ngay sân tiền đường của đền Hạ.

Phần hội với những trò chơi dân gian như: Đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, chọi gà... cùng các môn thể thao: Cờ tướng, bóng chuyền, đẩy gậy… Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nét văn hóa truyền thống độc đáo của lễ hội là nghi lễ hát văn hầu đồng.

Từ truyền thuyết về nàng Quế Mỵ Nương - Thánh Mẫu Thượng Ngàn mà diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ không đơn thuần là hoạt động văn hóa tưởng nhớ công ơn của người xưa mà còn mang đậm màu sắc tâm linh, thể hiện mong muốn mãnh liệt của người dân về một cuộc sống bình an, trù phú, nhiều tài lộc. Diễn xướng hầu đồng, hát văn tại đền Suối Mỡ là nét văn hóa độc đáo ít nơi có được. Đặc biệt từ năm 2009, tại lễ hội tổ chức Liên hoan hát văn, diễn xướng hầu đồng đã từng bước nâng cao giá trị của bộ môn nghệ thuật dân gian này. Với những giá trị đó, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đền Suối Mỡ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, Lễ hội có tục giã bánh dày thờ vô cùng vui nhộn. Người ta vừa giã vừa nói vui: “Của bà thì méo, của tôi thì tròn, giã trật hai hòn, thờ cô Tích Mễ”. Các trò vui chơi trong hội thì có thể kể đến: vật, đu, võ dân tộc, bắn cung, chọi gà…

Có thể nói, đến Suối Mỡ, bạn sẽ gặp một thế giới khác, xen kẽ giữa thực tại, linh thiêng và huyền bí giữa núi rừng, mây nước hùng vỹ! Sẽ không còn những ồn ào hay những âu lo thường nhật. Có một không gian xanh thẳm như thế, cho những tĩnh lặng và sự trở về!...

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.