Quê tôi thường làm nhà trình tường mái dốc. Trái tim của mỗi ngôi nhà là bếp lớn với cái lò được đắp bằng đất, cao độ một mét. Chảo lớn, chảo bé đều đặt ở đây, phía trên bếp lò. Chảo lớn dùng nấu rượu và đun cám, chảo bé dùng để đồ mèn mén. Mới tờ mờ sáng, chảo được hâm nóng. Ngọn lửa ngùn ngụt cháy xua tan cái giá rét trong nhà. Mẹ tôi hay dậy sớm để nấu cám và đồ mèn mén làm thức ăn cho cả nhà.
Khi ấy, tôi vẫn còn nằm trong chăn và thò đầu ra để nhìn. Chái nhà phía gần bếp là chuồng ngựa. Chú ngựa luôn dậy sớm và hình như nó không bao giờ ngủ. Khi tôi chập chờn trong giấc ngủ vẫn nghe thấy tiếng khánh nhạc rộn vang. Thỉnh thoảng nó lại gõ gõ móng, báo hiệu máng cỏ đã hết, lúc đó, bố tôi trở dậy đổ cỏ, chăm sóc nó hết sức chu đáo, có lúc còn che chắn đầu hồi cho nó khỏi rét.
Ngày ấy, cái ngày mà nhà tôi rầm rập đông vui người, khi anh tôi chuẩn bị sửa soạn lấy vợ. Mọi người kể cho nhau những câu chuyện vui. Bếp lửa giữ lại những câu dân ca. Những khi ông tôi còn khỏe, ông cứ ngồi đó, dưới ngọn lửa bập bùng, hình bóng ông in trên bức tường căn nhà trình tường.
Nhiều đêm, ông tôi cứ hát một mình những câu hát không đầu không cuối. Câu chuyện, làn điệu dân ca như con suối ùa về căn nhà. Câu chuyện và lời hát cứ quấn quanh, quấn quanh màu khói thuốc lào. Lời kể say sưa cùng chén rượu chuyền tay nhau.
Khi tôi lớn lên, khi tôi biết đi làm nương, bếp gio lại có ở trên nương. Cái điếu, ấm chè nằm gọn ghẽ trong địu. Lều nương dựa vào vách đá, dựa vào ruộng bậc thang, quay mặt về phía dòng suối. Một đầu sàn của lều gối lên đá. Bếp của lều nương đón gió, đón nắng, ru êm giấc ngủ ban trưa.
Lều nương lo cho mùa màng đi qua, cơn mưa đi qua, vụ mùa đến. Bếp của lều nương dựa lưng vào vách đá, giống như con người dựa lưng vào mùa màng. Bên cạnh bếp là cây chè cổ thụ, bao đời vẫn là thế, thân gồ ghề, mốc meo, oằn mình cùng thời gian.
Tôi lớn lên cùng năm tháng. Đi xa nhưng vẫn nhớ tới bếp. Và nhớ nhất là mùi khoai nướng. Tháng mười một, cả làng bận rộn. Con trai đi giã đất làm nhà, con gái dệt lanh, vẽ hoa văn. Tôi nhớ như in cái bát mà chị tôi đem ra nấu nến. Nến để vẽ hoa văn trên từng trảng lanh. Chị tôi vẽ bằng bút đồng. Từng trảng lanh trắng ngần trải dài trên lù cở. Chị tôi ngồi tựa cửa để vẽ. Những chữ thập hình sin trên bàn tay, có cả hình núi đồi cao nguyên trong tấm vải.
Mẹ tôi cả đời lam lũ, cả đời gắn bó với cái bếp, thức khuya dậy sớm cùng bếp. Chỉ nhìn bàn chân của mẹ là biết mẹ tôi vất vả chừng nào. Những chảo lớn, chảo bé cứ bày ra như những bản nhạc không lời. Mẹ tôi nấu rượu, đồ mèn mén, xào chín thức ăn. Lúc đó, bố tôi hay làm quen với chiếc điếu cày và chén nước. Bố tôi lấy gói chè khô trên gác bếp và đem rang. Lửa bập bùng cháy, chè rang giòn, đem bỏ vào ấm tích đang đặt gần bếp than.
Vào mùa xuân, ông tôi hay ngồi cạnh bếp. Ông hút thuốc lào, trò chuyện cùng mấy người già. Nếp nhăn trên trán ông càng sâu, sâu thêm theo thời gian. Vào những ngày đông, hơi lạnh phả vào đầu hồi nhà, ông tôi thường hay nhắc xem con ngựa có bị đói, bị rét không. Nằm cuộn mình trong chăn ấm, tôi nghe tiếng con ngựa gõ móng bên vách, tiếng ngựa nhai cỏ khoan thai mà trong lòng ấm áp cảm giác bình yên.
Mùa hè, tôi thích chui trong nương vườn. Vì chỉ có nơi ấy mới cho tôi hoa và quả. Những quả mận đỏ mọng treo trên cây từng chùm, từng chùm. Quả dưa chuột, bí đỏ cứ nằm lăn, phơi mình trên đất. Về đêm, ánh sáng từ bếp hắt trên tường. Vệt sáng chạy xéo bên hè. Ánh sáng xua tan màn sương lơ lửng trên đầu, đẩy lùi màn sương sang phía đầu hồi. Hạt sáng bắn ra từ bếp lửa đã ru êm, ru êm giấc ngủ.
Mẹ tôi thường cõng nước từ bờ suối lên, đi qua hai bậc thang thì mới đến sân, mẹ đổ nước vào cái ang làm bằng gỗ thông. Xong việc, mẹ lại đi xem cái máng ngựa sực nức mùi cám ngô và cỏ voi. Đêm muộn, mẹ vẫn thức thêu thùa bên ngọn đèn dầu leo lét, có khi lại đan lù cở gần bếp lửa. Bếp lửa đã hong khô và làm mối giang thêm chặt.
Vào dịp giáp Tết, bố tôi ngồi bên bếp lửa đến tận đêm khuya. Những lúc ấy, các bác hàng xóm sang chơi, trò chuyện nói cười rổn rảng. Cứ thế, cứ thế, bố lại rang lại ấm chè, bỏ tích. Câu chuyện bắt đầu đi vào chiều sâu cùng hương rượu nồng chuyền tay nhau.
Bếp lửa vùng cao lúc nào cũng hồng, hồng nhất, cháy rực nhất vẫn là vào những ngày Tết. Tôi cùng bọn trẻ con lấy bánh dày ra nướng. Bố tôi nhâm nhi cùng chén rượu. Thịt trâu sấy trên gác bếp vẫn còn tươi rói. Cả một vòng người cùng ăn và uống vây quanh bếp. Câu chuyện lại nổ ra như ngô rang.
Ngày lập đông, sương mù lửng lơ trên hè. Sương hắt làm ướt cả phía đầu hồi nhà. Bố tôi cho thêm củi gộc vào bếp. Người vùng cao thường bảo nhau: Phải giữ lửa trong bếp, phải hâm nóng lên bầu không khí quanh bếp từng ngày. Đó là nhịp sống, báo hiệu sự sống hàng ngày. Nó hoàn toàn khác với bếp lửa vùng đồng bằng thường đun bằng rơm rạ vào sáng, trưa, chiều tối. Bếp lửa vùng cao giữ lửa bẳng củi gộc, cả ngày đỏ lửa.
Chúng tôi khôn lớn, trưởng thành, tỏa đi muôn ngả. Thế nhưng dù có đi đâu, trong thẳm sâu trái tim mình vẫn nhớ hình ảnh bếp lửa quê hương, vẫn nôn nao khi đọc câu thơ làm xúc động đến cay mắt của thi sĩ Bằng Việt: “Giờ cháu đã đi xa/Có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/ Nhưng chẳng lúc nào quên nhắc nhở: Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”.