Lính đảo Trường Sa đón Tết

Lính đảo vào Xuân
Lính đảo vào Xuân
(PLO) - Quần đảo Trường Sa – mảnh đất thiêng liêng máu thịt của Tổ Quốc đã in dấu chân các anh. Với những người lính Trường Sa, mùa Xuân thường đến sớm…
Mùa xuân đang đến
Bán đảo Cam Ranh những ngày cuối năm, chúng tôi hòa mình trong không khí khẩn trương náo nức của những người lính Đoàn M46 chuẩn bị ra đảo. Như một lời hẹn ước với đồng đội ở phía mặt trời, mùa chuyển quân, chuyển hàng Tết năm nay có niềm thôi thúc gợi nhớ về những mùa hành quân lên đường mấy mươi năm về trước.
Đêm trước hôm chia tay, chúng tôi đã ngồi với nhau rất khuya. Biển đêm thao thức cùng nhịp đập của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi. Phần lớn trong số họ lớn lên từ miền biển. Ngày mai chia tay đất liền, không ai ngủ được. 
Tiếng sóng biển dội về ì ầm từ ba phía. Mọi người hát cho nhau nghe những ca khúc về quê hương và tình yêu. Mấy tháng trên bãi tập thao trường đã cho chúng tôi sự ấm áp của tình bạn, tình đồng đội. Đạt kể về cái xóm nhỏ bên sông Đáy, nơi mỗi chiều vọng tiếng chuông nhà thờ loang loang trên sóng nước. Mẹ cậu thường khóc thầm mỗi lần đi qua bến nước và mấy hôm nữa thôi cả xóm lại tíu tít bên bậc đá rửa lá dong gói bánh.Y Dut -  chàng trai Ê Đê có đôi mắt rực sáng, chậm rãi kể cho mọi người nghe về huyền thoại tình yêu của đôi trai gái nơi đầu nguồn dòng sông Sêrêpôk. Buôn Trap của anh mùa này khi những đám lúa ngoài rẫy đã nằm im trên gác bếp là những ngày Lễ Cơm mới diễn ra rộn rịp. 
Ở một góc sân, ai đó đang kể về cô bạn gái mới quen ngoài thị xã, thỉnh thoảng có tiếng cười rộ lên. Tâm trạng chúng tôi đêm nay thật lạ, vừa bâng khâng lưu luyến, vừa như háo hức đợi mong. Điều gì chờ đợi ở phía trước trong chuyến ra khơi đầu tiên trong đời?
Những ngày cuối đông, thời tiết vùng cực Nam Trung bộ hơi se lạnh, những cánh mai rừng khẽ rung lên trong gió. Cả đảo bừng sáng trong sắc nắng, sắc mai vàng rực rỡ. Mấy hôm trước chúng tôi đã chọn những cành đẹp nhất để mang ra đảo. Hàng Tết ra Trường Sa đã được đơn vị chuẩn bị hơn tháng nay, có đủ gạo nếp, lá dong, bánh kẹo…
Tàu phải đi trước cả tháng để kịp cho anh em ngoài đó đón Tết.  Sáng nay trên cầu tàu, bên cạnh đội hình hành quân trang nghiêm của những người lính thủy còn có những người thân đến tiễn đưa các anh. Các mẹ, các chị đến từ rất sớm để được nhìn ngắm con em mình. Trước giờ lên đường, cánh lính trẻ bồi hồi lần đầu cầm bàn tay con gái. Tôi đi bên em giữa xôn xao màu áo lính, cố lưu giữ tất cả cùng với nụ cười thật hiền của em. 
Một mùa Xuân mới lên đường. Đi bên tôi, anh bạn thơ Duy Hoàn thảng thốt như gặp lại chính mình khi nhớ về câu thơ anh viết trên chiến hào biên giới: "Người lính đón Xuân trên đường hành quân, có phải hương Xuân vương đầy vai áo…" Những chuyến tàu cuối năm chở theo nỗi niềm da diết và cả mùa Xuân ra đảo. Những gương mặt lướt qua, tất cả đều rất trẻ, rạng rỡ trong quân phục mới, cái dải sóng phấp phới trên vai áo như níu gọi một điều gì đó rất thiêng liêng. Còi tàu cất vang lên một hồi, chào nhé đất liền, hẹn gặp ở Trường Sa…
Đón Xuân ở Trường sa
Chúng tôi đến Trường Sa đúng dịp mùa Xuân đang về. Vẫn đang là mùa biển động, tàu phải đi hàng tháng trời mới đến hết được các đảo. Trên biển, những đợt gió đông bắc cuối mùa khiến thân tàu rung lên chịu đựng những con sóng cấp bốn, cấp năm. Có những đảo nhận được hàng Tết từ rất sớm, nhưng cũng có đảo hàng đến cũng vừa kịp đón năm mới. Khi tàu đến, chúng tôi vừa vận chuyển hàng lên đảo vừa phải lo cất giữ để dùng đúng vào dịp Tết. 
Xuân ở đảo không giống như ở đất liền. Nắng tràn trên mặt đảo, gió thả sức trên cao, sóng bạc đầu dội ì ùm vào bờ kè trắng xóa, tung lên lớp bụi nước mằn mặn. Hoa phong ba nở bung từng chùm trắng phơn phớt xanh vời vợi. Đi qua mùa biển mặn, cây trên đảo mấy tháng ròng phải gồng mình chịu những trận gió cát và nước biển. Rau xanh gần như không chống chịu được, chỉ có bàng vuông và phong ba là vững chãi kiên cường bám trụ. 
Hoa bàng vuông ở Trường Sa
 Hoa bàng vuông ở Trường Sa
Trường Sa - nơi những cái tên lần đầu mới gặp : Tiên Nữ, Sơn Ca, Cô Lin, Len Đao… mềm mại, đẹp dịu dàng như cô gái. Mấy anh em trong khẩu đội chúng tôi được phân công về cụm đảo phía Bắc. Những ngày cuối năm, cả đảo đang chuẩn bị đón Tết, quang cảnh không khác đất liền là mấy. Năm nay đón Xuân, quân và dân huyện đảo Trường Sa có thêm một niềm vui mới: điện đã có trên tất cả 33 điểm đảo và 15 nhà giàn DK. 
Điện về đã đem lại sự thay đổi lớn trong cuộc sống của bộ đội và người dân. Điện thắp sáng đảo về đêm, đời sống được nâng lên khi bà con đã có ti vi, tủ lạnh để dùng. Năm nay biển no, không có nhiều gió bão, công việc đánh bắt của bà con trên đảo rất thuận lợi. Toàn đảo, từ các cụm chiến đấu, phân đội, khẩu đội đến các nhà dân, đâu đâu cũng ngập tràn không khí tất bật. 
Góc này một tốp chiến sỹ lo dọn dẹp sửa sang doanh trại, bên sân nhà ăn một tốp đang chẻ lạt, rửa lá. Bọn trẻ được nghỉ học líu ríu theo chân các chú bộ đội trang trí bàn thờ Tổ quốc. Do điều kiện thời tiết của biển, những cành đào, cành mai theo tàu ra đảo dù được bảo quản cẩn thận đến mấy cũng khô héo hết. Lính Trường Sa đã  sáng tạo nên những cành đào, cành mai “rất Trường Sa”. 
Khẩu đội tôi được phân công làm cành hoa Tết. Y Dut và Đạt mang về những cành phong ba từ bãi cạn. Chúng tôi gắn lên đấy những bông hoa mai, hoa đào bằng giấy. Em nhắn tin hỏi tôi về hoa Tết ở Trường Sa, tôi kể với em về cành hoa do cánh lính trẻ tự tạo ra và gọi chúng với cái tên Hoa Sinh Tồn, Hoa Song Tử.
Hương vị Tết Trường Sa có một cái gì đó rất riêng. Ngày Tết ở đảo cũng đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, giò, nem … của đất liền mang ra, còn có thêm thực phẩm do lính đảo tự tăng gia. Hôm chuyển hàng xuống, chúng tôi có sáng kiến vùi lá dong trong cát để được tươi lâu. Để bánh chưng được xanh, mọi người dùng lá bàng vuông để gói lót bên trong, bên ngoài mới gói bằng lá dong. Cũng là gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu… khi thưởng thức bánh chưng còn có thêm hương vị của lá cây miền gió cát.
Bữa cơm Tất niên chiều ba mươi đầm ấm, chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Trên bàn thờ là ảnh Bác và cờ Tổ quốc, cờ Đảng trang nghiêm, mâm ngũ quả cùng với mai, đào của lính đảo. Đêm giao thừa, đơn vị tổ chức thi hái hoa dân chủ, thi hát. Phút giao thừa đã đến, mọi người hướng về lời  chúc Tết từ đất liền qua truyền hình. Sau đó, thủ trưởng đơn vị đứng lên chúc Tết mọi người. 
Trong không khí trang nghiêm, chúng tôi rưng rưng nhớ về gia đình nơi đất mẹ thân yêu. Đạt và Y Dut nắm tay tôi bước ra ngoài trời đêm. Một bầu không khí trong mát đượm vị mặn mòi của biển. Tôi đứng lặng hít một hơi thật sâu. Hương Xuân đang ngan ngát len lỏi trên từng tán lá, khóm hoa, ngọn cỏ; thầm thì lan tỏa vào từng góc chiến hào, mang mang trên bờ kè chắn sóng. Mùa Xuân đã đến, khúc giao mùa lặng lẽ ở Trường Sa chỉ có tiếng sóng bồi hồi không dứt.
Sáng đầu tuần, vẫn như thường lệ, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề chào cờ đầu năm mới. Cờ Tổ quốc reo trong nắng sớm giữa sóng nước mênh mông, Trường Sa thân yêu hiện lên như biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Trong những ngày đón tết cổ truyền, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa vẫn thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác. Phiên trực đầu năm, khẩu đội chúng tôi đứng uy nghiêm canh trời, canh biển. Ba chúng tôi xúc động bồi hồi, mắt dõi về phía chân trời. Nơi ấy, giờ này đất liền cũng đang đón tết.
Trường Sa ơi, đất nước nơi đầu sóng, một mùa xuân mới đang về…
Cuối đông 2013

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...