Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà nhiếp ảnh chiến tranh ưu tú ở thế kỷ XX

Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng
Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng
(PLO) - Tôi chưa từng được gặp, tiếp xúc và trò chuyện với anh. Ngày tôi về nhận công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, anh đang ở chiến trường. Nhưng, tôi đã được nghe loáng thoáng về Lương Nghĩa Dũng, người chiến sĩ “đánh Nam dẹp Bắc”, “mũi nhọn” của tổ phóng viên quân sự biệt phái sang cơ quan Thông tấn.

Ngày ấy, phòng Thông tấn quân sự khá mạnh với những tên tuổi: Đoàn Tý, Lương Nghĩa Dũng, Hứa Thanh Kiểm, Vũ Tạo, Nguyễn Dĩnh, Hồng Thu, Phạm Văn Thỉnh, cùng sinh hoạt và công tác với các phóng viên ảnh của TTXVN, gồm các anh: Văn Bảo, Chu Chí Thành, Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Hữu Thứ.

Những gì tôi được biết về anh, chủ yếu qua các câu chuyện, bài viết của Chu Chí Thành, Phạm Hoạt và một số đồng nghiệp khác.

Năm 2003, trong bài báo “Lương Nghĩa Dũng và những tấm ảnh để lại” viết cho Tạp chí Nhiếp ảnh (số 7), tôi có bày tỏ nguyện vọng được cơ quan TTXVN và những nơi anh từng công tác sưu tầm đầy đủ để ấn hành một tuyển tập ảnh của anh. Thật đáng vui mừng, năm 2012, quyển sách “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”, gần 200 tác phẩm của anh đã ra đời, do đồng nghiệp Chu Chí Thành tổ chức thực hiện và Thông tấn xã Việt Nam xuất bản.

Được biết, đó là những tấm ảnh tiêu biểu, chọn lọc từ ngót hai vạn rưỡi bức ảnh do Lương Nghĩa Dũng chụp trong khoảng 6 năm cầm máy (1966 - 1972). Những tấm ảnh, cũng là những khoảng khắc, những câu chuyện vô cùng dữ dội, khốc liệt về cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Câu chuyện ấy kéo dài từ các trận địa cao xạ mà anh thường xuyên trực chiến ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh cho đến Gio Linh, Cam Lộ, Đường 9; từ Xavanakhẹt, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum, Mường Xủi, Sảm Thông, Loong Chẹng (Lào) cho đến Động Ông Do, Tích Tường, La Vang, Thị trấn Đông Hà, Thị xã Quảng Trị…

Người “kể chuyện” là anh, có tên Nghĩa Dũng (khi ở miền Bắc), Nghĩa Mạnh (ở miền Nam) và Thoong Chăn (khi ở Lào). Ba cái tên của một con người, một chiến sĩ kiên cường, gan góc, quên mình trên những vùng đất được mệnh danh là “tuyến lửa”, “túi bom”, “cối xay thịt”…

Câu chuyện nối dài ngót hàng vạn cây số mà anh đã băng qua, lúc bằng xe đạp, lúc bám xe vận tải quân sự và cả khi đi bộ ! Lương Nghĩa Dũng đã có mặt tại tất cả các quân binh chủng, từ Hải quân, Không quân, Bộ binh tới Tăng thiết giáp, Pháo cao xạ, Đặc công, Công binh, Dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong…

Đúng như nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Thị Thành, một người bạn thân thiết, người em tin cậy của Lương Nghĩa Dũng đã cho chúng tôi biết: Hơn nhiều các nhà chỉ huy, anh luôn có mặt ở các trận đánh lớn dữ dội, xác người chồng chất, mịt mù tro bụi. Ống kính máy ảnh của anh thường xuyên bị ám khói bom đạn và mùi thuốc nổ, thậm chí nó còn bị đất cát vùi lấp, mảnh pháo chém vỡ góc, hoặc văng lên trời theo người anh do sức ép của bom, tên lửa hoặc đạn pháo”.

Quyển sách ảnh quí giá Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn ra đời đúng 5 năm sau khi Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cho tác phẩm đặc sắc “Đấu pháo ở Dốc Miếu” (chụp năm 1968). Khi ấy, Lương Nghĩa Dũng mới làm quen với nhiếp ảnh được 2 năm. Vậy mà nó đã được xếp vào đỉnh cao của ảnh chiến tranh. Ngay các nhà nhiếp ảnh của “phía bên kia” cũng đánh giá cao bức ảnh này. Horst Fass và Tim Page đã chọn nó để in vào cuốn ảnh Hồi niệm (Requiem) do Nhà xuất bản lớn của Mỹ (Random House New York) ấn hành.

Được xem “Đấu pháo ở Dốc Miếu”, chúng ta gặp phân đội 13 pháo mặt đất Vĩnh Linh đang trút ngọn lửa căm thù vào căn cứ Dốc Miếu của Mỹ - Ngụy. Khung cảnh mà tác phẩm ghi lại mịt mùng lửa khói và cát bụi, cũng giống như bức ảnh Quân giải phóng đánh địch ở sân bay Ái Tử sau đó 3 năm. Là nhà nhiếp ảnh tôn trọng tối đa hiện thực, Lương Nghĩa Dũng muốn ghi lại những gì đang diễn biến trong thực tế, và điều đó càng thôi thúc anh không ngần ngại hiểm nguy, lăn xả vào trận địa vô cùng khốc liệt, bất chấp hy sinh.

Chu Chí Thành đã kể tôi nghe về bức ảnh chụp Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình) vào năm 1967 mà chính anh cũng có mặt. Ở đây, ta thấy hai cô gái dân quân khẩn trương đánh trả tàu chiến Mỹ, không kịp đội mũ sắt, giống như hai pháo thủ đầu trần đang hối hả nạp đạn và giật cò, nã pháo liên tiếp xuống đồn địch. Chu Chí Thành gọi đó là “Những khoảnh khắc tột đỉnh của chiến tranh”.

Từ lời kể của đồng đội, tôi như thấy rõ trước mắt mình hình ảnh của Lương Nghĩa Dũng, một phóng viên chiến tranh xông xáo, quyết tâm ghi lại bằng máy càng nhiều càng tốt các sự kiện trong cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta, ở miền Bắc cũng như miền Nam. Con người ấy cũng mang một tâm hồn rất nghệ sĩ.

Tôi đã có dịp đọc một bài viết của anh và nhớ mãi những dòng thật đẹp. Đó là khi anh bước vào trận địa của binh chủng tên lửa: “Nắng tháng 10 ấm áp, hướng rạ mới từ những thửa ruộng quanh trận địa bay lên thoang thoảng. Tôi thấy khoan khoái và dạt dào tình cảm tự hào trước sự trưởng thành hùng vĩ của đất nước”.

Và anh tâm sự: “Những suy nghĩ về nguy hiểm khi làm việc trong một trận chiến đấu biến mất, mặc dầu những hố bom, rốc két của địch bắn xuống quanh trận địa còn mới nguyên. Đồng đội ở đây, vũ khí tiêu diệt địch của ta ở đây. Tôi thấy mình không một chút lo âu. Mỗi lần vào trận, những tình cảm ấy trong lòng tôi lại bừng lên mãnh liệt”.

Khỏi phải nói nhiều, trước mặt chúng ta rõ ràng là một chiến sĩ làm báo đầy tự hào về đồng đội, về đất nước, mà cũng đầy trách nhiệm khi anh say sưa ngắm nhìn trận địa và suy nghĩ, dự tính các vị trí mình sẽ đứng làm việc trong chiến đấu.

Tâm sự với Chu Chí Thành, Nghĩa Dũng nói:

- Cái nghề này, ăn nhau ở chuyện tự giác thôi. Có ai theo dõi mình đâu, chỉ có ý thức tổ chức kỷ luật, chỉ có lương tâm mình theo dõi mình.

Anh cười, đọc hai câu thơ để bộc bạch về mình: “Sinh ra cái số long đong - ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”.

Và anh nói: “Đấy, tao là như vậy. Nhưng, làm phóng viên mà ở yên ổn, ngồi vững vàng thì chẳng làm được cái gì cả. Tao lại thú cái long đong kiểu này!”

Những lời bình dị, rất chân thành, được rút ra từ kinh nghiệm, từ cuộc đời của một nhà báo đầy trách nhiệm. Có từ nào, chữ nào to tát đâu, mà sao tác dụng giáo dục, cổ vũ đối với đồng nghiệp lớn lao như vậy, sâu xa như vậy! 

Như đã nói, chỉ trong vòng 6 năm trời mà người chiến sĩ cầm máy ấy đã chụp được hàng vạn bức ảnh về cuộc chiến đấu chống Mỹ. Đó là kết quả phi thường của những ngày đêm lăn lộn trên các chiến trường, trên hàng vạn cây số đường trường, hàng chục lần thoát chết, bị tung hất, quăng quật trong lửa đạn, trên các chiến trường dữ dội nhất.

Qua lời kể của bạn bè, và tâm sự của anh, tôi hiểu vì cớ gì mà anh - con người với vẻ bề ngoài ít nói, có vẻ chậm chạp, khi vào trận địa lại “nhanh như cắt”, “chớp” được những khoảnh khắc vô cùng giá trị, góp phần làm phong phú kho tàng ảnh chiến tranh và cách mạng Việt Nam như vậy.

Đơn giản không chỉ vì lòng yêu nghề, mà trước hết, trên hết là trách nhiệm của người làm báo cách mạng, là lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, là niềm say mê lý tưởng mà anh được giác ngộ và theo đuổi từ khi còn rất trẻ. Năm 1954, ở tuổi 20, đang học năm thứ hai trường Kỹ nghệ Đông Dương, biết tin có đợt tuyển quân, anh bỏ học cùng một số bạn bè ở quê chạy ra Nho Quan (Ninh Bình) xin nhập ngũ. Và từ đó anh trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.

Anh được chọn đưa đi đào tạo thành giáo viên dạy môn vật lý ở trường văn hóa quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng ở trường này, Phạm Hoạt là giáo viên dạy môn toán cho những giáo viên cấp II từ các đơn vị trong toàn quân về đây nâng cao nghiệp vụ. Ở với nhau không lâu, nhưng Phạm Hoạt đã kịp quen biết Lương Nghĩa Dũng, có một tình bạn, tình anh em thân thiết.

Phạm Hoạt nhận xét: “Anh Dũng là người dễ gần, dễ mến, luôn luôn sống chân tình với bạn bè, đồng chí”. Sau đó, hai người lại cũng được cử đi học nhiếp ảnh trong lớp phóng viên khóa 6 của TTXVN, rồi từ đó đến đầu năm 1971, hai người sinh hoạt chung, có những đợt cùng đi công tác đến các trận địa cao xạ, trận địa phòng không của dân quân tự vệ. Phạm Hoạt nói tiếp về Lương Nghĩa Dũng:

“Không phải là một nghệ sĩ nhiếp ảnh bẩm sinh, nhưng xác định rõ nhiệm vụ được Quân đội và cơ quan giao cho, anh tích cực học tập, rèn luyện, hăng hái xung phong đi bất cứ nơi nào, nên hiệu quả công tác của anh rất đáng khâm phục. Chúng tôi coi anh là chim đầu đàn của cả tổ, không phải chỉ vì anh lớn tuổi hơn mà ở tác phong làm việc, hiệu quả công tác.

Anh cũng sẵn sàng phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm công tác từ khâu chuẩn bị đến tác nghiệp tại hiện trường. Anh đã đi rất nhiều chuyến công tác ở cả miền Nam, miền Bắc và Lào. Riêng với chiến trường Quảng Trị, anh Nghĩa Dũng đã tham gia chiến dịch Khe Sanh năm 1967 - 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972. Ở bất cứ chiến trường nào và thời gian nào, anh cũng đem về cho cơ quan những tấm ảnh báo chí có giá trị cao”.

Sơ qua mấy nét qua lời kể và ký ức của bạn bè, đã có thể hình dung con đường đời và sự nghiệp của Lương Nghĩa Dũng - từ một chàng trai ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), trở thành nhà giáo, rồi nhà báo với nghiệp vụ chính là nhiếp ảnh và vũ khí gồm các máy ảnh Rolley, Exakta, Pentax. Thời gian hoạt động với tư cách phóng viên nhiếp ảnh không dài (6 năm) nhưng Lương Nghĩa Dũng đã để lại một tấm gương sáng, một sự nghiệp đồ sộ với hàng vạn bức ảnh, xứng đáng được coi là nhà nhiếp ảnh chiến tranh lớn của thế kỷ XX.

Lương Nghĩa Dũng được tôn vinh với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật ở đợt V (2016), trở thành một trong 6 nhà nhiếp ảnh ưu tú nhất. Và trong 6 nhà nhiếp ảnh ấy, anh là người trẻ nhất, thuộc thế hệ sau, chủ yếu được tôi luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cụm tác phẩm làm nên giải thưởng cao quí này (Lửa vây máy bay Mỹ, Nữ pháo binh Ngư Thủy, Đưa xe tăng vào trận địa, Xốc tới và Đánh chiếm cứ điểm 365), trong đó bức ảnh chốt là Đánh chiếm cứ điểm 365, chụp chiều 30/3/1972, đã làm nên một vòng nguyệt quế chói lọi khoác lên cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất vẻ vang của Lương Nghĩa Dũng. Cũng cần nói thêm: Với tác phẩm đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 (Đấu pháo ở Dốc Miếu) về văn học - nghệ thuật, anh là người duy nhất được hai lần tôn vinh với các giải thưởng cao quí nhất.

Những ngày này, cả nước đang hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Giới nhiếp ảnh và những người dân quê anh càng vô cùng thương nhớ anh, xúc động xem lại từng bức ảnh mà anh ghi lại trong hàng vạn, hàng chục vạn khoảnh khắc của cuộc chiến tranh cách mạng. Từ hàng phi lao trên Cồn Tru, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, hài cốt của anh đã được đưa về nghĩa trang quê nhà, nằm giữa lòng đất Mẹ, trong vòng tay thương yêu, trìu mến của gia đình, quê hương và đồng đội, đồng nghiệp.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.