Năm 2011, thương hiệu Nhật Cường Mobile ra mắt với cửa hàng đầu tiên ở 33 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Tổng giám đốc Nhật Cường, đồng thời kiêm người đại diện theo pháp luật là Bùi Quang Huy, chủ sở hữu 90% vốn công ty. Sau vài năm hoạt động, Nhật Cường đã mở hơn 20 cửa hàng trên toàn quốc, thành top 5 nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu.
Sáng 9/5/2019, hàng loạt cửa hàng bán lẻ điện thoại tại Hà Nội và một trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile bị lực lượng của Bộ Công an khám xét. Gần một tuần sau, ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy cùng 8 người khác để điều tra về các tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thời điểm đó, Bùi Quang Huy đã bỏ trốn nên ngày 19/5, Bộ Công an phát lệnh truy nã toàn quốc đối với ông chủ Nhật Cường Mobile. Tháng 9/2019, Huy bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế đưa vào danh sách truy nã đỏ theo đề nghị của Việt Nam. Hiện sau hơn một năm, Huy vẫn bặt tăm.
Bộ Công an công bố Bùi Quang Huy bị cáo buộc cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu. Quá trình điều tra, Tổng giám đốc Nhật Cường bị khởi tố về 4 tội: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 24/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ điều tra. Bởi Huy không chỉ mở Nhật Cường Mobile mà còn lập ra Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software). Đây là doanh nghiệp non trẻ nhưng đã góp mặt vào nhiều dự án về công nghệ của Hà Nội như dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến...; thực hiện 7 gói thầu mua sắm thiết bị công nghệ thông tin; là một trong 63 đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm cho Hà Nội.
Tháng 10/2019, Bộ Công an yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan việc số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Hơn một tháng sau, Bộ Công an có quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam 3 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Họ gồm ông Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cùng 2 cán bộ dưới quyền, là bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh) và bà Phạm Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Sở).
Tháng 12/2019, Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông này nguyên là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Đánh giá các sai phạm là nghiêm trọng, phức tạp, tháng 11/2019, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Mở rộng đại án, tính đến tháng 7/2020, Bộ Công an khởi tố và bắt thêm hàng loạt bị can, gồm nhiều lãnh đạo và nhân viên Nhật Cường Mobile. Trong đó có Bùi Quốc Việt (anh trai của Bùi Quang Huy). Tính tới nay, nhà chức trách đã khởi tố tổng cộng 28 người, trong đó bắt giam 20 người, truy nã 8 bị can còn lại).
Việc điều tra tiếp tục xác định thêm nhiều người có liên quan. Cụ thể, ngày 22/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh tạm giam với Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của Chủ tịch UBND Hà Nội).
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với ông Trung về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước còn có ông Nguyễn Anh Ngọc (Phó phòng Thư ký - Biên tập thuộc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Bộ Công an).
Ba bị can trên bị cáo buộc có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án Công ty Nhật Cường. Hành vi này được tách riêng thành vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô nhấn mạnh Bộ đang tích cực điều tra đại án Nhật Cường. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các cơ quan sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III năm nay.
Ngày 11/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị Thủ tướng đình chỉ công tác 90 ngày để phục vụ "điều tra trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án". Cùng ngày, Bộ Công an thông tin ông Chung "liên quan ba vụ án". Trong số này có hai vụ án nêu trên.
Vụ án thứ ba là Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, Bộ Công an chưa công bố thông tin liên quan.
Liên quan đến đại án Nhật Cường, 28 người bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc truy nã đã được công bố bao gồm:
- 06 quan chức Hà Nội: Nguyễn Văn Tứ (Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên giám đốc Sở KH&ĐT); Nguyễn Tiến Học (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT); Phạm Thị Kim Tuyến (nguyên Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT); Phạm Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT); Nguyễn Anh Ngọc (Phó Trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội), Nguyễn Hoàng Trung (chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).
- 01 cán bộ Công an: Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Bộ Công an)
- 21 người của Công ty Nhật Cường và các doanh nghiệp: Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường); Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh); Bùi Quốc Việt (anh trai Bùi Quang Huy, nhân viên Công ty Nhật Cường); Võ Việt Hùng (Chủ tịch Công ty Đông Kinh); Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Bảo Trung, Mai Tiến Dũng, Đỗ Văn Hùng (Trưởng ngành hàng điện thoại của Nhật Cường) và 11 đồng phạm của Bùi Quang Huy là lãnh đạo, nhân viên Công ty Nhật Cường và doanh nghiệp khác như Nguyễn Bảo Ngọc; Trần Ngọc Minh; Đỗ Quốc Huy; Hoàng Văn Phong; Nông Văn Lủ; Đỗ Văn Dũng; Ngô Văn Sử; Nguyễn Thị Bích Hằng… Hai bị can còn lại là đại diện của các công ty nước ngoài cung ứng sản phẩm cho Công ty Nhật Cường.