Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã khép lại sau nửa tháng tưng bừng diễn ra tại thành phố Huế với sự đón nhận nồng nhiệt của người dân cố đô. Liên hoan mở ra hy vọng về sự trở lại của kịch nói trên thánh đường nghệ thuật.
Dân Cố Đô nồng nhiệt với kịch nói
Sau 14 ngày diễn ra liên tục, liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã tìm ra 3 vở diễn được ban giáo khảo đánh giá cao và chọn trao giải vàng xướng tên: Những mặt người thấp thoáng (NSND Doãn Hoàng Giang, đoàn sân khấu kịch Hà Nội); Tội ác và quyền lực (của Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, sân khấu kịch Sài Gòn); Lũ quét (NSUT Hoàng Mai, Sân khấu kịch Quân đội).
|
Lễ bế mạc Liên hoan |
14 ngày liên hoan như “một bữa no” đối với tinh thần khán giả cố đô vốn chịu tiếng là khó tính trong việc tiếp nhận nghệ thuật. “Một bữa no” nghệ thuật đã lôi cuốn hàng ngàn khán giả đến với “Festival kịch nói” thịnh soạn vào lúc 9h và 20h hằng ngày. Càng về sau, công chúng biết và đến liên hoan đông hơn, kịch nói trở nên gần gũi hơn với khán giả qua những tràng pháo tay tán thưởng, những giọt nước mắt cảm thông với nhân vật và cả những nụ cười sảng khoái …
Ban tổ chức công bố 3 giải vàng, 6 giải bạc cho các vở diễn xuất sắc cùng 32 giải vàng, 64 giải bạc cho hạng mục diễn viên trong đêm “Bế mạc Liên Hoan Kịch Nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012” |
Những vở diễn như “Tôi là người Việt Nam” (của đoàn kịch nói Công an nhân dân), “Giếng thơi trong lòng phố” (Sân khấu kịch Quảng Ninh), Hồn ma báo oán… rất nhiều nghệ sỹ đi cổ vũ cho đồng nghiệp đã phải nhường ghế cho người dân tới xem đứng chật hai cưả vào Nhà hát vì không còn chỗ ngồi.
Liên hoan đa sắc màu
Tại liên hoan lần này, người ta không còn thấy chỉ những đoàn kịch Miền Bắc “ lạm diễn” và “lạm nhận thưởng” từ diễn viên, đạo diễn, cho đến vở diễn. Sự thành công của “Tội ác và quyền lực” (cty giải trí Phước Sang) đã cho thấy kịch Miền Nam không phải chỉ là loại kịch hài hước, kinh dị. Vở diễn góp một tiếng lòng vào công cuộc xây dựng đất nước, chỉnh đốn Đảng và một bộ phận lãnh đạo tha hóa, chỉ mặt cái xấu, khơi gợi lòng tin vào một ngày mai tươi đẹp hơn.
Vở diễn đã gây được nhiều xúc động cho người xem. Liên hoan lần này cũng có nhiều vai diễn phản ánh vấn đề nhạy cảm của xã hội hiện nay đó là chuyện giới tính, sắc dục đời thường như vở “Âm binh” của đoàn kịch ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Làm, Nước mắt người điên… của Cty giải trí Vân Tuấn… Nhiều diễn viên đã sẵn sàng làm mình xấu xí đi để nhập vai với tâm niệm yêu nghệ thuật nên làm nghề.
100% các đơn vị kịch nói |TP. Hồ Chí Minh xã hội hóa đã tham gia liên hoan. với các tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống đời thường . Nhiều vở đã đưa các nam nữ diễn viên đoạt giải vàng, giải bạc tại liên hoan có cơ hội khẳng định mình và tung hứng cho bạn diễn bất sáng tác phẩm một cách trọn vẹn nhất.
Buồn bởi vẫn còn “bổn cũ soạn lại”
Khi viết bản tổng kết nghệ thuật cho đêm Liên Hoan, NS Lê Chức- Chủ tịch hội đồng giám khảo đã thẳng thắn nói lên nỗi niềm của người cầm cân nảy mực: “Nhiều đạo diễn đang có định hình phong cách rất tốt bỗng nhiên lại có một chi tiết không đúng là mình, có những lời thoại nói với khán giả như để hỏi xin ý kiến gây phá vỡ tính thống nhất và trở nên lạc lõng, nhiều đạo diễn đã bắt ép nhân vật của mình đi những chiều nội tâm không trung thực với quy luật phát triển nội tại của nó, những bản nhạc thu âm tiết kiệm được chi phí nhưng lại làm nghèo đi sân khấu vốn là tổng hòa của âm nhạc, diễn xuất, ánh sáng, hội họa,….”
NSND Hoàng Dũng cũng đã tâm sự rất chân thành: “Những tồn tại muôn đời chưa bỏ được là việc vở diễn đã hàng chục năm đưa đi dự liên hoan, nó quá cũ so với yêu cầu sáng tạo cái mới và không dậm chân tại chỗ. Đồng thời, việc các vở diễn xứng đáng đoạt giải cao không được giải cao sẽ làm anh em nhụt chí. Trao giải phải đúng người, đúng chất lượng tác phẩm thì nghệ sỹ mới có động lực để cống hiến hết mình cho nghề nghiệp và ngược lại…”.
Liên hoan đã khép lại, các nghệ sỹ lại trở về với cuộc sống thường nhật, tiếp tục con đường tìm cho kịch nói một chiếc chìa khóa vừa vặn mở đường tới lòng người hâm mộ.
Bảo Hòa