Cơ cấu tổ chức khác thường
Đầu tiên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đều phải hoạt động theo các quy định trong nghị định 45/2010/NĐ-CP, nghị định 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hội. Tuy nhiên, có lẽ Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam là một tồn tại hoàn toàn khác.
Ngày 29/3/2019, VBF có ban hành quyết định Phân công nhiệm vụ các ủy viên ban chấp hành khóa VI Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam trong cơ cấu chuyên môn của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam. Điều đặc biệt và có lẽ chưa từng có ở Liên đoàn nào là một số cá nhân trong VBF (ông Lê Hoàng Anh - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký), tham gia vào tất cả các ban với vai trò Trưởng, Phó ban, các tiểu ban với vai trò Trưởng, Phó tiểu ban và cả thành viên của tiểu ban.
Ngay từ quyết định này đã cho thấy dấu hiệu một số cá nhân có ý đồ thâu tóm quyền lực để thao túng các hoạt động của VBF. Với một cơ cấu không giống ai, không có quy chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng ban, tiểu ban, kết quả sau gần 2 năm, hoạt động của VBF đều chỉ do một số cá nhân điều hành và chi phối.
Ban chấp hành thì gần như bị vô hiệu hóa, mâu thuẫn trong nội bộ Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã vô cùng gay gắt đến mức cuộc họp ban chấp hành ngày 12/10/2019 khi kết thúc không có bất kỳ kết luận, nghị quyết nào được thông qua và những vấn đề các ủy viên ban chấp hành chất vấn cũng không được giải trình tại hội nghị.
Tại cuộc họp ngày 12/10/2019 có nhiều nội dung, vấn đề nhưng không có kết luận, nghị quyết nào được đưa ra |
Ban chấp hành không nắm được thông tin
Cũng thêm một điều cần lưu ý nữa của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam là Tổng thư ký là người trực tiếp ban hành các quyết định với chức danh Tổng thư ký chứ không phải ký thừa ủy quyền của Chủ tịch (theo quy định hiện hành là người đứng đầu VBF là Chủ tịch) bổ nhiệm những chức danh không có trong cơ cấu của Liên đoàn (Giám đốc phát triển, Giám đốc kỹ thuật) và ban hành một loạt các quyết định khác mà không thông qua ban chấp hành.
Các thành viên ban chấp hành khi được hỏi, có người không hề biết, người biết thì chỉ khi ban hành quyết định họ mới có thông tin từ bên ngoài chứ không phải trong báo cáo của thường trực, Tổng thư ký gửi ban chấp hành. Như vậy, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật hay đang bị một nhóm người biến thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để phục vụ cho một nhóm lợi ích chứ không phải vì sự phát triển của nền bóng rổ Việt Nam.
Câu hỏi dành cho những cơ quan có thẩm quyền, còn người hâm mộ chờ đợi sự vào cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, cũng như tinh thần đấu tranh của các thành viên Ban chấp hành. Theo thông tin phóng viên thu thập được, hơn một nửa Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng như Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ để đề nghị can thiệp, chỉ đạo và xử lý những hoạt động không đúng qui định của pháp luật, điều lệ của Liên đoàn.
Mong rằng sẽ có những sự chỉ đạo, can thiệp quyết liệt của các cơ quan chức năng để Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ, thực hiện đúng mục tiêu đưa Liên đoàn thành một tổ chức chuyên nghiệp và đưa môn bóng rổ thành môn thể thao số 2 được yêu thích tại Việt Nam.
(Còn nữa)