Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Đông Anh, Hà Nội

Đúng 7h ngày 25/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà chính thức bắt đầu
Đúng 7h ngày 25/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà chính thức bắt đầu
(PLVN) - Ngày 25/7, tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đông Anh tổ chức trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đúng 7h ngày 25/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội chính thức bắt đầu.

Theo Quyết định số 7033-QĐ/TU ngày 23/7/2024 của Thành ủy Hà Nội, Tiểu ban phục vụ lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng Tiểu ban; Nguyễn Mạnh Quyền - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng Tiểu ban; Lê Trung Kiên - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh; Đại tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an TP; Đại tá Lê Tất Thắng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Ngay sau lời khai mạc của Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn thể đại diện cơ quan, tổ chức có mặt tại sân Nhà văn hóa thôn Lại Đà nghiêm trang dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con ưu tú của quê hương.

Vào viếng đầu tiên là gia tộc nội, ngoại của đồng chí Tổng Bí thư, đoàn viếng của gia đình, họ hàng, người thân, bạn bè tại quê hương của Tổng Bí thư.

Tiếp theo là Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà.

Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà.

Tham gia Đoàn còn có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.

Thành kính dâng hương bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn đại biểu TP Hà Nội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Đồng chí và chia sẻ, động viên với người thân gia đình, họ hàng Đồng chí.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là tổn thất không gì bù đắp được, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội cùng nhân dân cả nước. Trong giờ phút xúc động, Đoàn đại biểu TP Hà Nội kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt trước anh linh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đại diện Đoàn Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên dẫn đầu đã dâng nén hương thành kính và ghi trong sổ tang: “Chúng tôi nguyện hứa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ biến đau thương thành hành động, nguyện noi gương, học tập và làm theo đồng chí, quyết tâm xây dựng Đảng bộ huyện Đông Anh trong sạch, vững mạnh, xuất sắc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”…

Đông Anh - vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc, từ thời kỳ dựng nước, đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc.

Đông Anh là nơi hai lần được lựa chọn làm kinh đô, đó là Nhà nước khởi thủy gây dựng nền tự chủ thời An Dương Vương và dưới thời Ngô Quyền sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Đây còn là quê ngoại của Nhà vua Lý Công Uẩn - người đã khai sinh ra Nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam, gây dựng nền độc lập sau hơn 1.000 năm đô hộ của phương Bắc (Trung Quốc).

Và đây là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Lại Đà, ngôi làng cổ gắn liền với dấu tích của vương triều nhà Lý và đây cũng chính là quê hương của một nhà lý luận xuất sắc khác của Đảng là đồng chí Đào Duy Tùng.

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Đông Anh - nơi kinh đô xưa của nước Việt vẫn sản sinh ra nhiều thế hệ ưu tú, góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, người dân Đông Anh nói riêng và đồng bào cả nước nước nói chung đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Ai ai cũng tiếc thương về một người Cộng sản kiên trung, nhân cách lớn, người học trò ưu tú của Bác Hồ.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh chia sẻ: “Người dân Đông Anh chúng tôi gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với một danh từ thân thương “Bác”. Bác là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, là tấm gương sáng, tiêu biểu về đạo đức, tính cần kiệm, liêm chính. Bác là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, sống trọn đời vì nước vì dân, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì Bác là người đi đầu, gương mẫu. Chính vì vậy, đất nước chúng ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là có công lao rất lớn của Bác”.

Chung cảm xúc, trong dòng người vào dâng hương kính viếng Tổng Bí thư, ông Phạm Tuấn Thành (72 tuổi) ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức cho biết: “Từ hôm nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi không ngủ được. Cả cuộc đời, bác Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm cống hiến cho cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh; khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân cách lớn có trái tim nhân hậu, cả đời vì nước, vì dân. Từ 4h00 sáng 24/7, tôi đã thuê xe đi từ huyện Hoài Đức về xã Đông Hội và được bố trí chỗ ở, đến sáng nay 25/7, được vào viếng bác”.

Là công dân của Lại Đà, ông Ngô Duy Chi - đảng viên Chi bộ thôn Lại Đà dậy từ sớm để xếp hàng viếng Tổng Bí thư. Ông bùi ngùi chia sẻ: “Nghe tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cũng như mọi người dân trong thôn rất bàng hoàng, đau buồn. Tổng Bí thư đã làm việc đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đặc biệt, mỗi khi Tổng Bí thư về thăm quê, tôi đều được gặp, ông là người rất chan hòa, tình cảm với người dân, luôn ân cần hỏi thăm làng xóm, bạn bè”…

Không riêng người dân Đông Anh, đoàn đại biểu, nhân dân các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước đã về dâng nén tâm nhang lên Tổng Bí thư tại quê nhà.

Ông Huỳnh Duy Thương đến từ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản kiên trung, liêm khiết, đã để lại ấn tượng, niềm tin yêu lớn trong quần chúng nhân dân. Tôi rất kính trọng đồng chí. Mặc dù di chuyển hơn 1.000km ra viếng Tổng Bí thư nhưng tôi rất mãn nguyện. Qua tâm sự với người dân đến viếng, tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của nhân dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Theo ghi nhận của Ban Tổ chức Lễ tang, tính đến 17h ngày 25/7/2024, đã có 960 đoàn, 36.218 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà - xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Trong đó, tại Hà Nội có 835 đoàn với 31.918 người; 125 đoàn với khoảng 4.300 người đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang…

Huyện Đông Anh đã tổ chức công tác tiếp nhận đăng ký, sắp xếp và thông tin thứ tự cho các đoàn viếng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động được thời gian đến viếng. Nhằm giảm ùn tắc cũng như đảm bảo buổi lễ trang trọng nhất, chu đáo nhất, khoa học và bài bản, an toàn việc đăng ký và sắp xếp được xác định theo nguyên tắc: Khung giờ viếng theo 4 khung giờ đã thông báo; số lượng người tối đa mỗi đoàn theo điều kiện khu vực làm lễ khoảng 30 người/đoàn; thời gian viếng được ước tính đảm bảo nghi lễ; ưu tiên gia đình, họ nội, họ ngoại, hàng xóm…

Công tác bảo đảm an ninh an toàn cho lễ tang được các lực lượng vũ trang, lực lượng địa phương triển khai bài bản, khoa học. Do đó, dù số lượng người về viếng Tổng Bí thư tại quê nhà rất đông, song không có hiện tượng ùn tắc hay chen lấn. Tuyến đường từ cổng thôn Lại Đà đến Nhà văn hóa thôn đều có các trạm dừng nghỉ, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến viếng.

Công an TP và huyện Đông Anh đã xây dựng phương án bố trí lực lượng, các chốt và phân luồng giao thông phục vụ tổ chức Lễ viếng với 17 chốt quanh khu vực. Để tăng cường đảm bảo an ninh trong quá trình tổ chức, Công an đã triển khai kiểm tra an ninh qua cửa từ, kiểm tra căn cước công dân. Tới thời điểm hiện tại tình hình an ninh được duy trì ổn định.

Trước đó, để tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà đảm bảo theo đúng nghi thức Lễ Quốc tang, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

UBND huyện Đông Anh cũng nêu một số lưu ý: Ban tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển; các đoàn đến viếng chủ động in băng đen để gắn lên vòng hoa viếng (băng vải đen có kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân). Nguyện vọng của gia đình xin được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.

Trang phục khi đến viếng đối với nam: Comple tối màu, bên trong mặc sơ mi trắng dài tay, cà vạt đen, giày đen. Đối với nữ: Áo dài đen hoặc áo tối màu, giày hoặc dép quai hậu màu đen. UBND huyện Đông Anh cũng đề nghị các đoàn thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà:

Đọc thêm

Nhiều tiện ích mới khi kết hợp giữa VNeID với iHanoi

Nhiều tiện ích mới khi kết hợp giữa VNeID với iHanoi
(PLVN) - Chiều 21/11, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”) và Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện Đề án 06 của TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố (TP).

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Quang cảnh buổi làm việc
(PLVN) - Ngày 21/11, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương do ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ
(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp xã giao đoàn các cơ quan An ninh thông tin Hàn Quốc (KISA)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp xã giao đoàn các cơ quan An ninh thông tin và Internet Hàn Quốc.
(PLVN) - Ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp xã giao đoàn các cơ quan An ninh thông tin và Internet Hàn Quốc (KISA) tham dự Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2024 do ông Lee Sang Jung - Chủ tịch KISA Hàn Quốc làm Trưởng đoàn, đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội hợp tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng.