Phương pháp thờ Phật ở miền Nam có thể đơn giản hơn nhưng biểu tượng và nghĩa lý không khác. Kiến trúc một ngôi chùa ở miền Bắc thường gồm 4 phần chính là: Tam bảo điện, Tiền đường, Nhà hành lang, Nhà Tăng. Ngoài ra còn có Nhà Tổ và Trai đường.
Khi đi chùa cần hiểu ý nghĩa “Tam bảo”
Tam bảo là ba ngôi báu gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Trong nhân gian, người ta thường coi vật báu là lụa là gấm vóc ngọc ngà, những thứ có thể đem lại lợi ích, thỏa mãn lòng ham muốn. Thế nhưng trong Phật giáo, những thứ vật chất ấy lại thật tầm thường, bởi dù có bao nhiêu ngọc ngà vàng bạc cũng không thể giúp chúng sinh thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử.
Không thể vượt qua khỏi tam giới, tam đồ, lục đạo... Chỉ có ba ngôi báu của của Phật giáo mới đủ sức dẫn dắt những chúng sinh thoát khỏi những khổ đau ấy. Ba ngôi báu này giống như ngọn đèn sáng để chúng sinh tin và làm theo, từ đó thoát khỏi sự đau khổ, tìm được sự hoan hỉ.
Theo đó, Phật là ngôi báu thứ nhất, vì Ngài là đấng giác ngộ đầu tiên, tìm ra nguồn Đạo giải thoát, và đã vượt ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, không còn sự đau khổ.
Là người đã tìm ra chân lý và phương pháp tu tập để hướng đến sự giải thoát, xóa bỏ những khổ đau vốn có trong cuộc đời. Chính vì vậy đức Thích Ca Mâu Ni được tôn xưng là Phật, có nghĩa là “bậc giác ngộ”, cũng là bậc thầy của Chư Thiên và Nhân Loại.
Chân lý giác ngộ và phương pháp tu tập do Phật truyền dạy được gọi là Pháp. Nói cách khác, Pháp là phương tiện để chúng ta có thể thực hành theo đúng và đạt đến sự giác ngộ, đạt đến sự giải thoát giống như Phật.
Pháp là những phương lương diệu dược nhiệm màu, có năng lực chữa trị tâm bệnh phiền não của chúng sinh trong Tam giới. Vì thế mà Pháp được tôn xưng là ngôi báu thứ hai, hay Pháp bảo.
Những người rời bỏ đời sống gia đình để dành trọn cuộc đời thực hành theo giáo pháp của đức Phật, hướng đến sự giải thoát, sự giác ngộ, được gọi là chư tăng. Các vị này cùng nhau tu tập trong một tập thể gọi là Tăng già hay Tăng đoàn.
Trong quá trình tu tập, chư tăng cũng nêu gương sáng về việc làm đúng theo lời Phật dạy và truyền dạy những điều đó cho nhiều người khác nữa. Vì các họ là người thay mặt ba đời chư Phật, có nhiệm vụ hướng dẫn, dắt dìu chúng sinh thoát khỏi nẻo u tối, kiên trì tu hành cho đến khi dứt khổ. Vì vậy, chư tăng được tôn xưng là “ngôi báu thứ ba”, hay là Tăng bảo.
Trong chính điện thờ Phật hay còn gọi là Phật điện, Đại điện, Tam bảo điện, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua tam thân Phật là “Pháp thân”, “Báo thân” và “Ứng thân”. Cách bài trí các tượng Phật ở chính điện theo đúng ý nghĩa ấy, cho nên ở lớp trên cùng là thờ “Pháp thân Phật”, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ. Ở lớp thứ hai thờ “Báo thân Phật”, tức là thờ thọ dụng trí tuệ Phật ở cõi Cực Lạc.
Ở lớp thứ ba là thờ “Ứng thân Phật”, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra xác thân ở trần thế. Lớp thứ 4 là lớp tượng “Di lặc Bồ tát” và hai vị “Phổ Hiền Bồ Tát” và “Văn thù Bồ-Tát” đứng hai bên, thường gọi là bộ tượng “Di Đà Tam tôn”.
Lớp thứ năm trở xuống thường có tượng đức Phật tu khổ hạnh ở chân núi Tuyết Sơn, tượng đức Phật nhập Niết bàn và đức Phật đản sanh. Cách bài trí các tượng ở chính điện từ trên xuống dưới theo thứ tự sau đây:
Tượng Tam thế Phật
Lớp trên cùng, ở chỗ giáp vách phía trong, có ba pho tượng để ngang một dãy hình dáng giống nhau, người ta thường gọi tắt là tượng Tam thế Phật. Nghĩa là Phật thường trụ trong thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.
Là có vô số các vị Phật xuất hiện lần lượt ở thời quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ tất cả các vị Phật trong ba đời và mười phương thế giới. Còn tên đầy đủ của ba pho tượng này là “Tam Thế Tam Thiên Phật” tức 3.000 đức Phật, mỗi thời 1.000 vị.
Theo đó, Quá khứ thế nhất thiên Phật nghĩa là vào thời quá khứ nhằm Kiếp Trang Nghiêm có 1000 đức Phật xuất thế như Phật Tỳ Bà Thi, Thích Khí, Tỳ Xá Phù là những vị Phật sau cùng trong số một ngàn đức Phật thuở ấy.
Hiện tại thế nhất thiên Phật là đương thời nhằm Hiền Kiếp có một ngàn đức Phật lần lượt ra đời, như đức Phật Ca La Tôn Đại, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni và Ngài Di Lặc là vị Phật thứ năm và lần lượt sẽ là đủ một ngàn vị Phật ở đời hiện tại nhằm Hiền Kiếp này.
Vị lai thế nhất thiên Phật là ở đời tương lai, nhằm Kiếp Tinh Tú sẽ lần lượt ra đời một ngàn vị Phật, một ngàn vị Phật này ở đời hiện tại nhằm Hiền Kiếp chấm dứt.
Hay “TamThế Thường Trụ Diệu Pháp Thân” là nhằm tôn sùng hình tướng chân thật, sáng láng, kỳ diệu, luôn tồn tại khắp không gian và xuyên thời gian của các đức Phật.
Theo giáo lý Đại thừa Phật giáo, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dùng ba loại thân khác nhau để truyền pháp, tức “Tam thân”, chính là “Pháp thân”, “Báo thân”, “Ứng thân” hay còn gọi là “thân tự tánh”, “thân thọ dụng”, “thân biến hóa”. Một số hình thức của ba pho tượng Phật chính là biểu hiện của “Tam Thân Phật”.
Pháp thân Phật chính là bản thân của Phật, đại biểu cho chân lý tuyệt đối. Báo thân Phật là Phật thân biểu thị chứng đắc chân lý tuyệt đốì tự thọ pháp lạc, còn biểu hiện là thân được biến hiện để thuyết pháp cho Đại thừa Bồ Tát.
Ứng thân Phật là thân biểu thị Phật vì muôn độ thoát chúng sinh thế gian, nên ứng hiện tùy theo tình huống và nhu cầu khác nhau của tam giới lục đạo, hoặc là thân của đức Thích Ca Mâu Ni, hoặc biến hiện hòa trộn với thế gian của trời, người, quỷ…
Trong gia đình nhiều Phật tử cũng có thờ bộ tượng này, nhưng cần chú ý một số điểm như: không được thờ chung tượng Tam thế Phật với thần thánh bởi thực tế thần thánh vẫn còn nằm trong lục đạo luân hồi, vẫn chưa thực sự ngộ giác hoàn toàn như giới Phật. Do đó nếu như bạn thờ chung phật với thần thánh tức là không hiểu Phật pháp, được coi là điều phạm kỵ khi thờ Phật tại gia.
Bàn thờ Tam thế Phật phải được lập ở trên cao, ít nhất là phải cao từ đầu gia chủ trở lên. Đồ cúng cho Phật chỉ dùng hoa quả, đặt trên đĩa đựng trái cây riêng và đĩa đựng trái cây cúng Phật đó không được phép dùng cho việc khác, kể cả là dùng cho bàn thờ gia tiên. Không bày đồ mặn và vàng mã trên ban thờ Phật.
Nếu như có bàn thờ gia tiên thì đặt bàn thờ gia tiên ở tường nhà bên trái hoặc bên phải của bàn thờ Tam thế Phật, bởi Phật là thầy của chúng sinh khắp 10 phương 3 cõi, ngay cả những người đã khuất cũng cần sự giác ngộ của Phật, do đó cần đặt bên cạnh, không được đặt chính giữa cùng với bàn thờ Tam thế Phật.
Ba pho tượng Tam Thế bằng đá cổ xưa độc nhất Việt Nam
Ba pho tượng Tam Thế tạc bằng đá của Chùa Ngọc Khám (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là bộ tượng Tam Thế cổ xưa, đồ sộ và tinh xảo bậc nhất Việt Nam.
Pho tượng ở giữa: được tạc bằng đá khối, cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m trong tư thế ngồi thiền định tư thế “bán kiết già” trên toà sen, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo. Khuôn mặt nữ tính, đầy đặn, phúc hậu, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, miệng mỉm cười độ lượng; tai to dài chảy. Tay phải giơ lên trong tư thế kết ấn. Tay trái để úp nhẹ nhàng trên đùi trái.
Pho tượng thứ hai (bên tay trái): được tạo tác tương tự như pho ở giữa cao 1,46 m. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen; tay phải giơ lên kết ấn theo kiểu (ngón chỏ, ngón giữa giơ lên, còn ngón cái, ngón nhẫn và ngón út thì cong cụp vào lòng bàn tay); tay trái để ngửa nhẹ nhàng trên lòng đùi. Áo tượng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây anh lạc, trước bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen.
Pho tượng thứ ba (bên tay phải): cũng được tạo tác tương tự như hai pho bên, cao 1,42 m. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen; hai tay để nhẹ nhàng trên đùi kết ấn “ tam muội”.
(Còn nữa)