Vụ kiện kéo dài 17 năm với sự liên quan của UBND và các ban, ngành thành phố Hà Nội, Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng “liên đới” khiến người dân chừng đấy thời gian lâm cảnh điêu đứng. Mới đây, lần thứ 2 Thanh tra Chính phủ vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vụ mới rõ “ngô – khoai” với lẽ phải thuộc về người dân…
Nhiều cơ quan “liên đới”
Năm 1979, vợ chồng ông Lý Quang Lâm – Tô Thị Thanh Hương (ở 370 Cầu Giấy – Hà Nội) mua ngôi nhà cấp bốn và cây cối trên diện tích đất hơn 1 sào (gần 500m2) của ông bà Nguyễn Thị Chi - Nguyễn Đức Nghi, ở thôn Trung, xã Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1987, cơ quan chức năng đo đạc lại nhưng không hiểu sao đất của ông bà chỉ còn lại hơn 200m².
Trong khi việc khiếu nại diện tích đất bị thu hẹp chưa được giải quyết, thì năm 1993, UBND TP Hà Nội cấp 1.860m² đất cho Cty Đầu tư - Xuất nhập khẩu Đồng Tháp, một phần trùm lên diện tích đất của gia đình bà Hương.
Ông bà khiếu nại, ngày 27/3/1997, Thanh tra Nhà nước vào cuộc và kết luận: Việc TP Hà Nội cấp 1.860m² đất (một phần trùm lên đất của nhà ông Lâm đang quản lý, sử dụng) là vi phạm Điều 21, Luật Đất đai năm 1993.
Việc gia đình ông Lâm đang quản lý và sử dụng 202m² đất còn lại sau khi mở đường 32 từ năm 1979 đến nay ổn định, đúng hiện trạng khi mua lại của ông Nghi, bà Chi - người có tên trong sổ địa chính và bản đồ giải thửa, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Như vậy, diện tích 202m² đất mà gia đình ông Lâm đang quản lý, sử dụng là hợp pháp. Đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình ông làm nhà, để ổn định cuộc sống.
Về vụ việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần lượt có công văn đề nghị TP Hà Nội thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhưng các cơ quan chức năng TP Hà Nội lại yêu cầu gia đình ông Lâm chuẩn bị để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trên để giao cho đơn vị khác theo Quyết định 3696 của TP Hà Nội ban hành năm 2007.
Không đồng ý, vợ chồng ông Lâm tiếp tục khiếu kiện. Ngày 3/10/2008, Thanh tra Hà Nội vào cuộc và kết luận TP Hà Nội ra Quyết định 3696 thu hồi đất của gia đình bà Hương để giao cho đơn vị khác là đúng; Phần đất gia đình bà Hương mua của ông Nghi, bà Chi nằm trong chỉ giới mở rộng đường 32 năm 1996, đã bị thu hồi hết và nhận đền bù.
Diện tích gia đình bà Hương đang quản lý, sử dụng là do lấn chiếm đất công... Vì vậy, ngày 26/11/2008, TP Hà Nội giao các cơ quan chức năng lập phương án thu hồi.
Rõ ràng Trắng – Đen
Thời điểm đó, Báo PLVN đã có nhiều bài phản ánh về sự xung đột pháp lý trong giải quyết vụ việc bởi diện tích đất đó Thanh tra Chính phủ kết luận là hợp pháp, thì Thanh tra Hà Nội lại kết luận là lấn chiếm (bất hợp pháp). Cùng với đơn khiếu nại của vợ chồng ông Lâm, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng TP Hà Nội kiểm tra làm rõ.
Sau một thời gian xác minh tích cực và công tâm, ngày 28/7/2010, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, TP Hà Nộ, Bộ TN&MT để lấy ý kiến. Trên cơ sở đó, ngày 27/9/2010, Thanh tra Chính phủ đã có báo Thủ tướng Chính phủ: Nhà đất tại 370 Cầu Giấy của vợ chồng bà Hương là nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Nghi.
Năm 1996, sau khi nhà nước thu hồi để làm đường 32 thì còn lại 202m2 được gia đình bà Hương sử dụng liên tục cho đến nay và đóng thuế đầy đủ, có tên trong sổ địa chính, nên không có cơ sở kết luận gia đình bà Hương lấn chiếm đất của hợp tác xã; việc khiếu nại của bà Hương đối với QĐ 3696 ngày 19/9/2007 của TP Hà Nội là có cơ sở.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP Hà Nội điều chỉnh quyết định 3696 theo hướng thu hồi diện tích đất của Cty Đầu tư - Xuất nhập khẩu Đồng Tháp, để xây dựng nhà khách quốc tế Bộ Công an, không bao gồm diện tích đất của gia đình bà Hương.
Trên cơ sỏ đó, ngày 11/11/2010, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8185 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng ý với kiến nghị trên của Thanh tra; Chủ tịch TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện theo kiến nghị trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý 4/2010.
Trần Đinh