Đồng loạt tạm hoãn để phòng chống dịch
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 do tỉnh Phú Thọ tổ chức, có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương". Theo Ban tổ chức, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ tổ chức phần lễ vào 2 ngày là mùng 6 và mùng 10/3, bao gồm: Lễ giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ và lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Về phần hội, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và du khách, giỗ tổ Hùng Vương năm nay không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người, chỉ tổ chức một số hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Đánh trống đồng, đâm đuống, diễn xướng hát Xoan tại các làng Xoan cổ, múa rối nước, bơi chải truyền thống...
Trong dịp này, tỉnh Phú Thọ cũng sẽ không tổ chức Hội chợ Hùng Vương, giải Bóng chuyền cúp Hùng Vương, lễ hội đường phố… Các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc do Bộ VH-TT&DL dự kiến tổ chức tại Phú Thọ dịp này cũng sẽ tạm hoãn đến thời điểm phù hợp.
Trước đó, TP Hà Nội dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; Lễ hội chùa Hương; Lễ hội Cổ Loa; Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh.
Tỉnh Bắc Ninh dừng tổ chức hội Lim năm thứ 3 liên tiếp, ngoài hội Lim, lễ hội tán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích sẽ chỉ tổ chức các phần lễ trong các khu thờ tự. Đền Trần (Nam Định) không mở cửa đón khách. Nghi lễ khai ấn vẫn sẽ được diễn ra dưới sự thực hiện của các cụ cao niên họ nhà Trần, nhưng sẽ không có bất kỳ một đại biểu nào, kể cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Nam Định tham dự. Lễ hội Tịch Điền (tỉnh Hà Nam) năm 2022 tổ chức phần lễ với quy mô gọn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, không tổ chức phần hội.
Các cơ sở tôn giáo cũng không tổ chức các hoạt động tập trung quá đông người để phòng chống dịch. Đơn cử, Chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức lễ khai Xuân để người dân, phật tử thập phương về chùa du xuân, lễ Phật, không tổ chức phần hội. Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) chỉ cử hành phần lễ, không tổ chức phần hội như mọi năm.
Các nghi lễ chính được tổ chức đầy đủ, trang trọng, từ lễ rước nước, rước bài kiệu đến nghi lễ dâng hương, dâng lục cúng, dâng hương bạch Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn đều được tổ chức trang trọng theo nghi lễ nhà Phật để cầu nguyện cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đất nước phồn vinh, no ấm.
Lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) tại TP.Biên Hòa cũng tạm dừng tổ chức phần hội. Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết: “Đây là năm thứ 3 chùa Ông tạm dừng tổ chức phần hội để chung tay phòng, chống dịch. Mặc dù không tổ chức hội nhưng các nghi thức, nghi lễ truyền thống được nhà chùa duy trì và thực hiện trong giới hạn số lượng người tham gia”.
Giữ tín ngưỡng dân tộc và thích ứng linh hoạt
Tuyên truyền, thường xuyên cảnh báo người dân không lơ là phòng, chống dịch bệnh khi tham gia lễ hội là nội dung được nhấn mạnh tại Công văn số 79/VHCS-NSVH do Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương vừa ký ban hành về nội dung tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội phù hợp theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Tiếp đó, công văn cũng đề nghị các Sở thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc...