Cảm nhận chung của du khách đến với Từ Lương Xâm là sự yên tĩnh, thanh bình. Vẻ cổ kính của Từ Lương Xâm làm cho tâm hồn người ta cảm thấy thư thái, hiền hòa. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với những chùm rễ lòa xòa như lưu giữ nét thời gian. Mỗi gốc cây, giếng nước hay những bức đại tự, cửa võng, đôi hạc, chiếc chuông đồng… trong Từ đều có thể “kể” cho du khách về những sự tích gắn với người anh hùng dân tộc Đức vương Ngô Quyền.
Lễ hội chính của Từ Lương Xâm diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng hằng năm với hàng vạn du khách tham dự. Từ trước Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, tuy chưa phải lễ hội chính của Từ Lương Xâm nhưng mỗi ngày, hàng trăm lượt người đến thắp hương và tham quan di tích lịch sử này.
Cụ thủ từ Phạm Văn Đến năm nay 74 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng Xâm Bồ. Cụ kể: “Thuở bé, cụ từng được cha nuôi nhiều lần dẫn đến dự các buổi tế lễ. Ngày đó, Từ chưa được xây dựng khang trang và đẹp như bây giờ, song dân làng Xâm Bồ, từ các vị chức sắc như chánh tổng, lý trưởng… đến người dân đều lấy làm hãnh diện và háo hức khi được vào tế, lễ trong Từ.
Từ Lương Xâm trong ngày mở hội. Ảnh: Duy Thính |
Chủ trì buổi tế, lễ là “mạnh bái”. Người nào muốn làm “mạnh bái” phải giết trâu, khao làng 3 ngày. Mọi người dân trong làng từ già, trẻ, lớn, bé đều đến ăn cỗ không mất tiền”. Tương truyền, ngày trước khu vực Từ chỉ là một bãi đất trống, doi cát ven biển. Khi Ngô Vương Quyền đóng quân tại đây, Người bắc một chiếc cầu từ đại bản doanh ra tới biển để quân sĩ mang cọc ra đóng, kéo dài từ vùng Lương Xâm đến cửa Nam Triệu… Trong Từ có 4 giếng nước gọi là giếng “mắt ngọc”, trong đó, hai giếng trước cửa Từ và hai giếng phía sau. Nước giếng luôn trong leo lẻo, do quân sĩ của Ngô Vương Quyền đào để sử dụng làm nước ăn… Cụ thủ từ cho biết, Từ Lương Xâm rất thiêng, những vật dụng trong Từ bị thất lạc, mất cắp hay chuyển đi đâu cuối cùng cũng quay lại. Như đôi cây tùng hương rất thơm trước cửa nhà tiền đường được một người khách mang từ Lào về trồng năm 1970, sau do chiến tranh, do cải tạo Từ… , lưu lạc qua 3 tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên nay lại trở về. Đôi đèn đồng bị lấy trộm, một người mua được, lại đem cúng tiến vào Từ… Trong chiến tranh chống Mỹ, một đơn vị hải quân đóng, huấn luyện tại đây. Sau này, người sĩ quan trở lại Từ thắp hương và cho biết, đơn vị trải qua nhiều trận chiến đấu nhưng tất cả đều bình an trở về…
Những người già nhớ vanh vách các sự kiện về chiến thắng Bạch Đằng năm 938 hay lịch sử Từ Lương Xâm, trong đó, có những sự kiện lịch sử và cũng có sự kiện truyền thuyết. Lớp trẻ hiện nay như anh Phạm Văn Lập, Phó chủ tịch UBND phường Nam Hải rất gắn bó và tự hào với truyền thống quê hương. Cùng với chính quyền phường Nam Hải và quận Hải An, anh tham gia công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo Từ. Từ năm 2007, sau khi được Nhà nước xếp hạng “Di tích lịch sử kiến trúc- nghệ thuật cấp quốc gia”, Từ được tu bổ nhiều lần hàng chục tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp, bao gồm cả hàng nghìn mét vuông đất. Nhiều người cúng tiến các hoành phi, câu đối, cửa cuốn... Năm 2010, quận Hải An phát tâm công đức mọi tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng tượng đài Đức vương Ngô Quyền và mở rộng khuôn viên Từ, vừa khánh thành giai đoạn 1. Từ Lương Xâm khang trang, rộng rãi và đẹp hơn, tương xứng với tầm cỡ khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Trước đó, việc quản lý Từ giao các cụ bô lão trong làng, nay giao UBND phường Nam Hải quản lý. Từ năm 2009 trở lại đây, quy mô lễ hội Từ Lương Xâm do quận Hải An tổ chức, đồng thời cũng là dịp sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong quận và thu hút du khách khắp nơi.
Đến với Từ Lương Xâm, những người như chị Đào Thị Thùy ở phường Phù Liễn, quận Kiến An hay chị Đào Thị Hòa ở khu dân cư Kiều Sơn, phường Đằng Lâm, quận Hải An đều cảm thấy tự hào. Nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố và trung ương đến thắp hương, trồng cây lưu niệm tại Từ. Ngày 18- 10- 2010 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây lưu niệm ngay trước khuôn viên tượng đài Ngô Vương Quyền. Lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ, tự hào về truyền thống quê hương.
Mai Hương