Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội sẽ có gần 50 hoạt động mở tự do cho công chúng trong toàn bộ thời gian lễ hội như các triển lãm, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hoạt động văn hóa-nghệ thuật tương tác, trải nghiệm...
Giai đoạn trọng điểm của chương trình diễn ra cuối tuần này, từ ngày 11-13/11. Trong đó, ngày 12/11 sẽ diễn ra tọa đàm về hình tượng tiên nữ trong văn hóa Việt, tọa đàm về di sản nhà máy cũ tại Hà Nội, trao giải và trưng bày các thiết kế cộng đồng, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Thủ đô...
Ngày 13/11 cũng bùng nổ với loạt giao lưu, tọa đàm với các nghệ sỹ trẻ, trong đó đáng chú ý có đạo diễn người Pháp-Việt - tác giả phim tài liệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, chương trình nhạc rock có sự góp mặt của Ngũ Cung và nhiều ban nhạc trẻ khác.
Vào các ngày 15, 18, 19 và 23 đều có các tọa đàm, hội thảo về thiết kế ứng dụng. Đây là cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ, người làm trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế tham gia giao lưu học hỏi.
Theo đại diện Ban tổ chức, 50 hoạt động sẽ được tổ chức chủ yếu quanh không gian phố đi bộ Hồ Gươm, gồm Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Mơ Art Space... Cùng với đó là các địa điểm như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ) Bảo tàng Hà Nội (Nam Từ Liêm), Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (Gia Lâm)...
Có 4 cuộc thi được tổ chức và phát động trong thời gian diễn ra lễ hội gồm Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng 2022, Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước, Cuộc thi Thiết Kế Nhanh - Bảo tồn và phát huy Di sản Nhà máy và Cuộc thi Ảnh cho thanh thiếu niên “Hà Nội một góc nhìn”.