Buổi lễ diễn ra trong không khí vui tươi của bà con Pa Cô và người dân huyện miền núi A Lưới, tại buổi lễ, đồng bào Pa Cô đã tái hiện lại nghi lễ A Da Koonh đặc sắc.
Cùng với nghi lễ của Lễ hội A Da Koond, các hoạt động thường nhật của bà con Pa cô cũng được tái hiện một cách sinh động.
Việc Lễ hội A Da koonh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con Pa Cô, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch cho huyện A Lưới.
Ngoài lễ A Da Koonh là các hoạt động thường nhật của đồng bào Pa Cô |
Lễ hội A Da Koonh là Lễ hội cúng mừng lúa mới của người Pa Cô, được tổ chức 5 năm một lần hoặc sớm hơn khi làng được mùa lớn, nhằm thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến Mẹ Lúa và các loại giống cây trồng; đồng thời, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau.
Lễ hội A Da Koonh thường được tổ chức vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa; mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian này để tổ chức.
Trong lễ A Da Koonh, nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất là Lễ mời Mẹ Lúa vào nhà: Bởi hình ảnh và cách gọi thân mật Mẹ Lúa không chỉ gắn với một vụ mùa bội thu mà còn ảnh hưởng đến sự nguy an của cả cộng đồng; đây là nghi lễ đầu tiên mở màn chính thức cho Lễ ADa Koonh; tất cả tập trung ở chân cầu thang kho lúa làm lễ mời thần lúa ăn các vật phẩm mà họ dâng lên; sau đó, người Pa Cô vào kho lấy nắm lúa đầu tiên mang về nhà nấu ăn, với lời cầu: “từ nay kho lúa sẽ được mở, cầu mong lúa trong kho không hao hụt…”.
Tái hiện các nghi lễ trong lễ A Da Koonh |
Vào Ngày hội, trong không khí vui tươi, nhộn nhịp, bà con bản làng sum tụ, quây quần bên nhau để ăn uống, chúc tụng, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp nhau phát triển kinh tế và cùng nhau thể hiện các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, hòa cùng nhịp trống, tiếng chiêng bằng những giai điệu ấm áp tình người… cầu mong mùa màng bội thu cho năm sau.
Nụ cười cô gái Pa Cô trong ngày lễ hội mừng lúa mới |
A Da Koonh không chỉ là nghi lễ cúng tế thần linh, là ngày tết vui tươi nhộn nhịp của cộng đồng, mà còn thể hiện tình đoàn kết, tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo, cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh TT Huế phát biểu tại buổi lễ |
“A Lưới là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy qua bao đời nay", Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, đồng thời yêu cầu. "Cần tuyên truyền rộng rãi trong nhận thức cộng đồng về các di sản mà mình có được, thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá rộng rãi, phải làm cho người dân và du khách hiểu rõ lễ hội và giới thiệu đến công chúng”.