Hàng năm, vào dịp đầu năm âm lịch, tại đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành thành phố Nam Định, lại diễn ra lễ Khai ấn vào một canh giờ tý (thời điểm chót của ngày 14 và bắt đầu ngày 15 tháng Giêng âm lịch).
Phong tục giàu nhân văn
Tương truyền, sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 15 tháng Giêng, vua Trần mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho một loạt quan quân có công. Sau này, vương triều Trần quy định: Trong ngày làm việc đầu của năm mở đầu từ rằm tháng Giêng, triều đình tổ chức lễ khai ấn. Sau lễ kính trời đất, nhà Vua khai ấn mở đầu cho một năm cầu mong quốc thái, dân an.
Hàng năm, tại đền Cố Trạch, các lão ông lão bà áo dài, khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ trước lễ thánh, sau tham dự buổi lễ khai ấn trọng thể. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có hai con dấu bằng đồng. Quả nhỏ trên mặt có hai chữ: “Trần miếu” còn quả lớn có chữ: “Trần triều tự điển tứ phúc vô cương” đều khắc theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm), một tràng pháo nổ vang báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó, đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn, của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng làng tổ chức đóng dấu bằng son đỏ trên các tờ giấy vàng, chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đưa về treo tại các gia đình để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.
Lễ khai ấn đền Trần năm 2010 |
Tại sân đền Thượng, sáng ngày rằm tháng Giêng, dân của bảy làng là Vọc (Bình Lục), Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc rước kiệu về đây để tế vua Trần. Các làng này có thờ các danh tướng nhà Trần. Vì làng Vọc thờ Trần Thủ Độ ở quá xa nên sau này không phải rước kiệu nữa mà chỉ đưa lễ xuống tham dự. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa quả đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi thức này phỏng theo cung cách của triều đình phong kiến xưa. Những năm chẵn, hội mở to hơn những năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức trẩy về đền Trần. Hành hương về cội nguồn, ai cũng cầu mong điều tốt lành, thịnh vượng.
Trước sân đền, phấp phới lá cờ đại - lá cờ hội truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại, mãi mãi rạng rỡ tinh thần hào khí “Đông A”. Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Đám rước với cờ quạt, chiêng trống, kiệu lễ, kiệu bát cống, kéo dài hàng nửa cây số. Hội có nhiều trò vui hấp dẫn như: chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, múa bài bông và hát văn (tương truyền có từ thời Trần truyền lại).
Nhiều nét mới
Khác với những năm trước, lễ khai ấn đền Trần năm 2011 được tổ chức ở hai tỉnh
Ở Nam Định, lễ khai ấn diễn ra vào 22giò30 đêm 16-2 (tức 14 tháng Giêng) tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, lượng khách tham gia dự kiến khoảng 1.500 đại biểu và 2 vạn người dân. Để bảo đảm an toàn cho lễ hội, tỉnh Nam Định huy động gần 2.000 người, bố trí thành 5 vòng để giữ gìn an ninh, trật tự trước, trong và sau lễ khai ấn. Tỉnh tổ chức thêm hai bãi trông xe có sức chứa khoảng 3.000 ôtô, góp phần giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông; lắp đặt 6 nhà bạt cho lực lượng y tế làm nhiệm vụ. Để du khách tiện theo dõi, năm nay Ban tổ chức dự kiến tổ chức truyền hình trực tiếp nghi lễ rước ấn, dâng hương, khai ấn ở trong đền ra với sáu màn hình lớn đặt trước đền Trần và sân đền Cố Trạch, Trùng Hoa; cũng như may áo nghi lễ dành cho khoảng 60-100 đại biểu lãnh đạo các cấp.
Tỉnh Thái Bình cũng tổ chức lễ hội đền Trần tại nơi phát tích của nhà Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà từ ngày 15 đến 17-2 (13 đến 15 tháng Giêng). Lễ hội gồm một số nội dung chủ yếu như: lễ rước chân nhang từ đền ra bến sông, lễ rước nước cùng chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian hấp dẫn như: thi hát chầu văn, ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, múa rồng, lân, sư tử, gói bánh chưng, cỗ cá, thả diều sáo… Chương trình khai mạc lễ hội vào tối 15-2 (13 tháng Giêng) với màn sử thi mang chủ đề "Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần". Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức dâng hương và ban phúc ấn sau khi lễ khai mạc kết thúc. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ hội cũng được tỉnh Thái Bình chuẩn bị chu đáo.
Đầu năm đi lễ đền, chùa để cảm ơn trời đất, tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên ông bà và cầu xin cho gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn trở thành một phong tục, một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần tốt đẹp mang đậm đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Gìn giữ những phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp là điều cần thiết và mong sao trong lễ khai ấn đền Trần năm nay, không có hình ảnh xô đẩy, giẫm đạp lên nhau cùng cảnh mua bán dấu ấn tại chốn linh thiêng../.
Việt Thắng- Hải Nguyên