Lễ hội đích thân Vua làm chủ tế
Triều đại nhà Lý, Trần rất sùng đạo Phật nên mục đích mở Hội đèn Quảng Chiếu của nhà vua tại Hoàng thành Thăng Long là để “quảng chiếu” ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật cho muôn người.
Theo Thượng tọa Thích Phước Đạt, Đại Việt sử lược ghi vào năm Canh Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng” và vào năm Bính Thân (1116) lại ghi “Mùa Xuân tháng Giêng tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào đánh chuông”.
Còn Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm Canh Tý (1120) “Mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa Xuân tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm”.
Văn bia Sùng Thiện Diên Linh tả như sau: “Dựng đài cao Quảng Chiếu, nhắm sân trước cửa Đoan Môn, trong nêu một cột, ngoài đặt bảy tầng, uốn mình rồng hình cung hiện ra mà đỡ lấy sen vàng, may lồng nhiễu mà che cho lửa nến, giấu máy nhỏ dưới đất, xoay tròn như bánh xe, tỏa ánh sáng giữa trời như mặt trời rực rỡ, lại có thánh báo nghiêm trang rõ ràng. Đền vàng điện báu nhờ thành ý mà dựng nên, đặt ngôi tượng Đức Phật cao vót, dáng vẻ văn thiên, hình thô vẻ lạ.
Lại có hai tòa lầu hoa trong treo chuông vàng, khắc hình nhà sư, mình đắp y phước điền, vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh… Lại có tháp thất bảo rực rỡ bày xếp một hàng, chính giữa đặt một ngọn núi vàng, đặt tượng lành Đa Bảo Như Lai, bảy chân hình xe pháp mấy tầng, mái hiên lấp lánh ánh mặt trời buổi sáng, mái ngói lung linh vẻ mây biếc ban chiều.
Thứ đến là hai tòa Bạch Ngân. Bên trái đặt chân dung A Di Đà, bên phải dựng tượng Đức Diệu Sắc Thân, chiều cao mở ra thế khỏe, vẻ đẹp phô rõ mái cong, long lanh ngỡ tuyết đang tan.
Thứ nữa là hai tòa Điểu Văn. Bên trái đặt từ nhang tướng của Như Lai Quảng Bác Thân, bên phải thờ diệu tướng của Như Lai Ly Bố Úy, gác lớn đã hoàn thành, độ cao lại xây dựng, nóc che ngói quý, vách chạm hình rồng.
Lại thứ nữa có hai tòa Tượng Xỉ. Bên tả đặt hình Đức Cam Lồ Vương, bên hữu thờ tượng đẹp Đức Bảo Thắng Phật, chất quý gọt mài, cột hiên cao dựng, các cạnh khám ngọc đẹp… Lại tả chín tầng trời bằng năm sắc, khắc bốn cột bằng cặp đối treo, hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son. Dốc lòng vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày, thỏa lòng mắt của thế gian, già đổi nên trẻ…”.
Chính sử ghi có 4 lần vua Lý Nhân Tông tổ chức lễ hội, trong đó có một lần xuống chiếu mời sứ thần Chiêm Thành tham dự. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh diễn tả lễ hội Quảng Chiếu cực kỳ công phu để lại dấu ấn lớn trong lòng dân Đại Việt. Nó như biểu dương sức mạnh cả dân tộc đang vươn hình hài lớn dậy để bước sang thời kỳ hoàng kim, thắp sáng hàng nghìn ngọn đèn như tỏ ý kinh Thăng Long từ đây chấm dứt đêm dài thời trung cổ.
Sự thật lễ hội kỳ an - đèn Quảng Chiếu đã minh chứng tinh thần sức sống Đại Việt “Khuynh thiên hạ chi ung hòa, dạ vi trú thưởng” nghĩa là “Dốc lòng hòa vui thiên hạ thì đêm mới trở thành ngày” như tinh thần văn bia đề cập.
Lễ hội đèn được làm thành nhiều tầng, trên các tầng có pháo bông. Trên sông Tô Lịch cho diễn múa rối nước để dân xem.
“Quảng Chiếu” do Phật giáo tổ chức dưới sự bảo trợ của triều đình
“Lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức hoành tráng, thực thi theo mô hình thiết kế được rút ra từ trong các kinh điển nhà Phật mang một giá trị tâm linh, với mục đích nguyện cầu âm siêu dương thái. Hay nói cách khác đó là sự kết nối yêu thương của bao thế hệ cha ông và con cháu Đại Việt xưa nay mà nhà sư thường khấn nguyện trong các buổi lễ kỳ an với tâm thành mong muốn “Quốc thái - Dân an” - Thượng tọa Thích Phước Đạt nhấn mạnh.
Qua sự biến động của lịch sử, lễ hội đèn Quảng Chiếu đã bị mai một và tới nay tư liệu lưu truyền lại rất hiếm hoi. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, việc phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành Thăng Long là vấn đề cần thiết để đề cao giá trị văn hóa di sản. Nhưng việc phục dựng như thế nào để mang đậm nét truyền thống, hài hòa với tính thời đại đang được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dày công sưu tầm.
Tại Hội thảo khoa học Lễ hội đèn Quảng Chiếu được Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội tổ chức cách đây 7 năm, các nhà nghiên cứu văn hóa rằng, lễ hội đèn Quảng Chiếu nên tổ chức vào mùa Xuân. Nơi diễn ra lễ hội được thống nhất tại Đoan Môn.
Giáo sư Phan Khanh cho rằng: “Việc chuẩn bị đèn là quan trọng nhất, cần đầu tư một cách công phu. Đèn cần dựng lại một cách quy mô, bài trí theo kiểu dáng sử sách đã ghi lại”. Vì vậy, tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến nhiều cách phục dựng đèn Quảng Chiếu từ quy mô tới cách bài trí đảm bảo gần với giá trị gốc.
Theo đó, lễ hội đèn Quảng Chiếu chia làm hai phần, phần lễ và phần hội, trong đó quan trọng nhất là phần lễ. Khai lễ là phần dâng hương, thắp đèn Quảng Chiếu, thỉnh Phật, cúng triệu thỉnh Bác bộ Kim cương, dâng lục cúng. Tại lễ hội sẽ tụng kinh Dược Sư và mọi người đều có thể thắp nến xung quanh cây đèn chủ cầu mong trí tuệ.
Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử khẳng định, một trong những việc làm có ý nghĩa và giá trị thiết thực đối với dân chúng là tổ chức các lễ hội cầu an mang tính quốc gia vào các dịp đầu năm do Phật giáo tổ chức dưới sự bảo trợ của triều đình. Một mặt Nhà nước kết hợp với Phật giáo tổng kết các thành tựu của quốc gia trên mọi lĩnh vực, tuyên dương công đức của cá nhân và tập thể đã đóng góp cho nước nhà, cho dân tộc.
Giáo sư Phan Khanh cũng như các nhà văn hóa, lịch sử đều mong muốn Lễ hội Quảng Chiếu không chỉ là lễ hội của Thủ đô Hà Nội mà được nâng lên tầm quốc gia để xứng đáng với vị trí của nó. Hình ảnh quốc gia, dân tộc gắn liền với lễ hội Quảng Chiếu.
Tháng 1/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đồng ý với đề xuất tạo một lễ hội mang tính chất đặc trưng của Hà Nội, tổ chức lễ hội treo đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành Thăng Long.
Lễ hội cung đình đèn Quảng Chiếu niên đại ngàn năm tuổi sẽ sớm được khôi phục trong thời gian sớm nhất để người dân có thể đắm mình trong một không gian văn hóa tâm linh rực rỡ ánh đèn./.