Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017: Nhiều khác biệt

Diễu hành voi tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Diễu hành voi tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
(PLO) - Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 sẽ khai mạc lúc 20h ngày 10/3 và bế mạc ngày 13/3. 

Lễ hội diễn ra trên nhiều địa điểm của thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn với nhiều hoạt động phong phú, hứa hẹn nhiều triển vọng thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên.

Sẵn sàng cho lễ hội với nhiều khác biệt, hấp dẫn

So với các kỳ lễ hội trước, lễ hội lần này có sự tương tác kết hợp ba trong một, đó là Lễ hội cà phê cùng với Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4.

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, sẽ có nhiều hoạt động sinh động, hấp dẫn diễn ra, như: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4; các Hội nghị - hội thảo chuyên đề về cà phê; Lễ hội đường phố; Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc…

Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và các nghi lễ phục dựng với hơn 400 diễn viên cùng hàng ngàn quần chúng tham gia. Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; Công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản” (các tour du lịch gắn cà phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng…) cũng sẽ được tổ chức. Đây là những hoạt động tiêu biểu, thiết thực chào mừng kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 - 10/3/2017), giải phóng tỉnh Đắk Lắk và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).

Để chuẩn bị cho Lễ hội, Ban Tổ chức và các Tiểu ban Lễ hội đã triển khai họp, phân công nhiệm vụ, triển khai công việc; đồng ý cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình của Lễ hội theo hình thức xã hội hóa 100%. Tiến độ triển khai các phần việc chuẩn bị đã cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ tốt Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Hiện đã có 32 quán cà phê có những nét đặc trưng riêng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đăng ký phục vụ cà phê miễn phí cho du khách trong những ngày lễ hội. 

Nâng cao giá trị của hạt cà phê sẽ mang lại đời sống tốt hơn cho người trồng cà phê
Nâng cao giá trị của hạt cà phê sẽ mang lại đời sống tốt hơn cho người trồng cà phê

Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững

Những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư đặc biệt nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên Phát triển. Thống kê cho thấy, giai đoạn năm 2011 - 2015, Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá và tăng qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, giảm tỷ trọng lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 47,66% xuống còn 44,61%; tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 16,73% lên 18,31% và lĩnh vực dịch vụ tăng từ 31,10% lên 33,35%.

Từ năm 2011 đến năm 2016, các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn 2016 - 2010, với khoảng 265,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2016, đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đạt 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với cùng kỳ. Cơ cấu GDP các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Đắk Lắk là tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, dân số hơn 1,8 triệu người, với 15 đơn vị hành chính, trong đó thành phố Buôn Ma Thuột đang nỗ lực phấn đấu thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là thủ phủ cà phê của cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, kinh tế của Đắk Lắk luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước. Năm 2016, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 44.571 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD… 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, nhu cầu đầu tư vào địa phương khá lớn, khoảng 81 dự án với trị giá đầu tư 376 triệu USD (trong đó vốn ODA là 295 triệu USD), bao gồm các lĩnh vực phát triển hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục, thủy lợi, môi trường. Trong khi đó, vốn đầu tư FDI là 11 dự án với tổng vốn đăng ký 118,6 triệu USD trên các lĩnh vực: dịch vụ, chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, trồng hoa xuất khẩu. Ngoài ra, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) viện trợ là 99 khoản, với tổng trị giá viện trợ 26,1 triệu USD trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp và hỗ trợ cộng đồng…

Đến nay, nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành, như dự án thoát nước mưa và nước thải (giai đoạn 1) cho thành phố Buôn Ma Thuột, có tổng vốn đầu tư 15,9 triệu USD, đảm bảo nguồn nước cho hơn 163.000 người dân trên địa bàn; Dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, tổng vốn đầu tư 12,24 triệu USD, hỗ trợ trồng mới khoảng 250.000 - 300.000ha rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đến nay, Tây Nguyên vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nông - lâm nghiệp phát triển. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mặc dù đã chứng minh được hiệu quả và vai trò, song quy mô và số lượng vẫn còn hạn chế, chưa tận dụng được thế mạnh của nông nghiệp để phát triển các cơ sở công nghiệp cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong khi đó, công nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên tuy đã phát triển, nhưng còn manh mún và việc thu hút vốn đầu tư để phát triển cũng rất khó khăn.

Do vậy, những tiềm năng, triển vọng, định hướng và cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của các tỉnh Tây Nguyên đang là cơ hội lớn để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững. 

Du khách quốc tế đến tìm hiểu cà phê tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2015
Du khách quốc tế đến tìm hiểu cà phê tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2015

Phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Hiện nay, nhà đầu tư đến với Đắk Lắk không phải tự tìm kiếm thông tin mà được quan tâm, chào đón, phục vụ khảo sát thực tế cùng với những địa phương và các sở, ngành. Có thể khẳng định, đây chính là bước chuyển quan trọng nhất cả về tư duy, nhận thức và hành động của chính quyền các cấp, bước đầu của quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Ông Đinh Xuân Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2016, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới, tăng 9,6% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng, tăng 36,04% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đã thu hút được 98 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.896 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiếp đón và hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 150 lượt nhà đầu tư, trong đó, có một số nhà đầu tư nước ngoài. Với vai trò cơ quan tham mưu công tác hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, Sở đã thành lập tổ tư vấn giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 6.251 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 49 doanh nghiệp nhà nước, 6.195 doanh nghiệp dân doanh và 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực chế biến cà phê, các doanh nghiệp đã đầu tư vào Đắk Lắk 14 dự án, với với tổng số vốn đầu tư gần 2.923 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã đi vào hoạt động và 4 dự án đang triển khai xây dựng.

Bên cạnh 4 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến cà phê, với tổng số vốn 1.462,9 tỷ đồng, 10 dự án đầu tư trong nước vào vực chế biến cà phê tại Đắk Lắk có Dự án nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty cà phê An Thái tại Khu công nghiệp Hòa Phú, công suất thiết kế gần 2.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến cà phê, nông sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex tại Cụm Công nghiệp Tân An, với công suất 34.500 tấn/năm, vốn đầu tư 30,8 tỷ đồng; Dự án Khu liên hiệp chế biến cà phê, nông sản, kho chứa tại Khu công nghiệp Hoà Phú của Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk với vốn đầu tư 13 tỷ đồng… Các dự án hiện đang đi vào hoạt động cơ bản đạt hiệu quả. 

Như vậy, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, hiện nay, môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để tạo dựng được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ động rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa về quy trình, phương thức giải quyết các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phải gắn với mục tiêu và nhiệm vụ chung phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh của tỉnh trong tương lai thuộc tốp 10 của nhóm các tỉnh xếp thứ hạng khá trong toàn quốc.

Logo nhà tài trợ Lễ hội 2017
Logo nhà tài trợ Lễ hội 2017

Phát huy thế mạnh, thu hút đầu tư

Tây Nguyên có diện tích cà phê lớn nhất nước, với hơn 500.000 ha, riêng Đắk Lắk có hơn 200.000 ha, sản lượng cà phê nhân bình quân đạt trên dưới 450.000 tấn/năm. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 cùng với Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2017 là nhằm hướng tới mục tiêu quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Lễ hội lần này cũng là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đắk Lắk nhằm mời gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008. 

Để góp phần tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2017 thành công, cùng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, địa phương, đến ngày 6/3 đã có 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tài trợ kinh phí cho các hoạt động của lễ hội, trong đó có 5 nhà trài trợ Kim cương, gồm: Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên; Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa; Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; Công ty TNHH Xuân Thiện, tỉnh Ninh Bình và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel (Viettel Đắk Lắk). 

Năm nay, với vai trò là thành viên Ban Tổ chức, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên còn đóng góp các ý tưởng nội dung, công tác tổ chức họp báo, truyền thông, hội thảo, hỗ trợ mời các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, khách mời báo chí quốc tế tham gia Lễ hội… đồng thời nhận lãnh trách nhiệm cùng UBND tỉnh Đắk Lắk làm tổng đạo diễn, tổ chức Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Trung Nguyên cũng đầu tư xây dựng gian hàng trưng bày đặc biệt, khác biệt trong khuôn khổ Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê của Lễ hội để tôn vinh cà phê đặc biệt từ Buôn Ma Thuột. Những hạt cà phê đặc biệt từ Buôn Ma Thuột sẽ được giới thiệu đến cộng đồng qua nhiều nội dung hoạt động phong phú để du khách trong nước và quốc tế có thể khám phá, thưởng thức, chọn làm quà tặng cho người thân… 

Hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk) - Điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách
Hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk) - Điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách

Cùng với Trung Nguyên và nhiều doanh nghiệp khác tham gia lễ hội và tài trợ kinh phí cho lễ hội lần này, Công ty TNHH Xuân Thiện - Ninh Bình (Tập đoàn Xuân Thành) không chỉ đến với lễ hội với tư cách là thành viên của nhà tài trợ Kim cương mà quan trọng hơn, là tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời tại địa bàn Đắk Lắk.

Bà Thái Kiều Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện - Ninh Bình chia sẻ: “Từ khi có ý định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời với công suất dự kiến 2.000 Mw, quy mô 3.500 ha tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, qua làm việc, UBND tỉnh đã chủ động ban hành chủ trương, đề xuất giải pháp triển khai để nhà đầu tư tiết giảm chi phí, thực hiện các thủ tục liên quan và chỉ đạo sở, ngành hỗ trợ khảo sát, lập đề xuất dự án theo đúng quy định.

Các thủ tục hành chính phục vụ công tác khảo sát đều được đẩy nhanh đảm bảo tiến độ yêu cầu dự án. Với những động thái rõ nét đó ở địa phương, các ngành, nhà đầu tư cảm thấy hài lòng và mong muốn được gắn bó cùng tỉnh”.

Như vậy, cùng với việc tham gia Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, các doanh nghiệp luôn mong muốn sẽ tiếp tục cùng với UBND tỉnh Đắk Lắk nỗ lực hơn nữa để sớm đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu, điểm đến của những tín đồ cà phê trên toàn thế giới, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành địa bàn trọng điểm, phát triển bền vững dựa vào những tiềm năng, thế mạnh, nhất là cà phê gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa bản địa, tiếp thu và lựa chọn những tinh hoa của thế giới, nâng cao đời sống cho người dân. 

Tin cùng chuyên mục

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.