Việc lấy ý kiến nhân dân tập trung vào nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; việc lập và thực hiện khu tái định cư; hình thức lấy ý kiến và trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ); giao, cho thuê, chuyển mục đích SDĐ; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai... cũng được lấy ý kiến lần này.
Từ 3/1 - 15/3/2023, người dân có thể góp ý trực tiếp bằng văn bản; tham gia góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT; cơ quan thông tấn báo chí.
Trí tuệ, quyền của người dân với vấn đề thiết thực với tất cả mọi người đã đến lúc được phát huy. Tuy nhiên, mọi người có phát huy được hay không, nhất là với lĩnh vực có những vấn đề rất khó hiểu như Luật Đất đai? Có thể lấy ví dụ có nhiều người hiểu khái niệm “kế hoạch SDĐ” hay không? Dù luật đã nêu khái niệm “kế hoạch SDĐ là việc phân chia quy hoạch SDĐ theo thời gian để thực hiện trong kì quy hoạch”. Nhưng nếu muốn hiểu khái niệm này thì lại phải hiểu cả khái niệm “quy hoạch SDĐ là sự tính toán, phân bổ đất đai cụ thể về số lượng, chất lượng, vị trí, không gian cho các mục tiêu KT-XH, đảm bảo cơ sở khoa học và thực tế của các mục tiêu phát triển KT-XH để việc SDĐ phù hợp với các điều kiện về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và từng ngành sản xuất”.
Chính vì đây là vấn đề rất khó góp ý, nên Chủ tịch QH đã lưu ý rõ về cơ chế lấy ý kiến cần rõ ràng, phải làm sao để người dân đọc qua dự thảo phát hiện ra vấn đề, tránh việc khi triển khai mới phát sinh hàng loạt vướng mắc. “Chỉ nêu ra mấy nội dung thì chuyên gia còn không hiểu để góp ý thì người dân hiểu và góp ý làm sao”, lãnh đạo QH đặt câu hỏi.
Chủ tịch QH đề xuất địa phương cử người trách nhiệm, hiểu biết về lĩnh vực để làm báo cáo viên, nêu ra các vấn đề vướng mắc, phương án sửa đổi, xem xét tác động đến người dân và DN. Chính phủ nêu rõ vai trò cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo với việc lấy ý kiến, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, vấn đề trọng tâm, đối tượng chịu tác động lớn nhất. Và việc lấy ý kiến cũng không chỉ dừng ở bình luận đánh giá, mà còn cần đưa ra các giải pháp.
Nhiều ý kiến khác của ĐBQH cũng cho rằng quá trình tổng hợp ý kiến cũng cần được giám sát, tránh trường hợp ý kiến rất sát nhưng không được tổng hợp, hoặc tổng hợp khác đi. Cần tránh việc những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thấy không phù hợp nên không đưa vào. Cần đảm bảo việc lấy ý kiến sao cho trung thực, khách quan; đa dạng kênh tổng hợp ý kiến; tránh việc mình chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình, dẫn đến lệch lạc…
Một vấn đề khác trong việc lấy ý kiến cũng được lưu ý cần chấn chỉnh, là làm sao để có cơ chế phản hồi, để người góp ý kiến biết được quan điểm của mình có được tiếp thu hay không? Giải quyết được những vấn đề trên, tin rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết xác đáng, phù hợp thực tế.