Theo gia đình bệnh nhân, sau khi sinh, bé H. xuất hiện tình trạng đỏ mắt, mi mắt chảy nhiều dịch mủ vàng. Quá lo lắng, bố mẹ đưa D. đến bệnh viện khám và điều trị tại Bệnh viện ở Thái Bình. H. sau đó tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Theo bác sĩ Hà Tuấn Minh, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh lậu. Theo đó, bệnh nhi được chỉ định áp dụng phác đồ điều trị lậu cho trẻ em kết hợp giữ gìn vệ sinh, tra thuốc mắt.
Ngay sau đó, khai thác tiền sử các bác sĩ được biết, bố bé H. từng mắc bệnh lậu, nhưng đã điều trị khỏi. Tuy trong suốt quá trình mang thai, mẹ của bé vẫn thăm khám thường xuyên nhưng không phát hiện ra bệnh.
“Tại bệnh viện, chúng tôi đã cho người mẹ làm xét nghiệm và kiểm tra nhuộm soi vi khuẩn dịch âm đạo. Kết quả cho thấy người mẹ có hình ảnh lậu cầu trong âm đạo. Vì vậy, chúng tôi kết luận, bệnh nhi lây lậu từ người mẹ”, BS Minh nói.
Bác sĩ Minh cho biết khi con được chẩn đoán lậu, đa số người mẹ đểu ngạc nhiên vì biết nguồn lây chính từ mình, bởi trong thai kỳ không có biểu hiện triệu chứng, không được sàng lọc. Bệnh được xác định là lây qua đường tình dục, cũng có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp vi khuẩn trong dịch mủ.
Giải thích nguyên nhân người mẹ không biết mình bị lậu, bác sĩ Minh chia sẻ do biểu hiện bệnh lậu ở nam giới và nữ giới khác nhau. Nếu nam giới có biểu hiện rầm rộ như khó chịu, đái buốt, ra mủ niệu đạo, thường kèm theo phù nề,... thì phụ nữ biểu hiện không rõ. Phụ nữ nhiễm lậu cầu có thể ra ít dịch giống như viêm nhiễm thông thường khác nên dễ bỏ qua.
Theo đó, bác sĩ Minh cho biết bố mẹ có thể phòng lậu mắt ở trẻ sơ sinh bằng cách nhỏ vài giọt dung dịch nitrat bạc 1% vào mắt trẻ ngay sau khi đẻ. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là người mẹ cần thăm khám, xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai để bảo đảm sức khỏe cho cả hai mẹ con.