Nhiều người mất tiền
VKSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Quang Duy Tú (SN 1992) và Đỗ Văn Giải (SN 2002, cùng ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, vào ngày 30/10/2019, Giải và đồng bọn đã dùng thủ đoạn hack tài khoản facebook của ông B.N.S. (là Phó bí Huyện ủy Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Sau khi hack được facebook của ông S., các đối tượng nhắn tin cho vợ của ông S. (ngụ TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) với nội dung nhờ bà này chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng do Giải cung cấp. Đây là tài khoản ngân hàng do Tú đặt mua trên mạng. Sau đó, vợ ông S. đã chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản nói trên cho các đối tượng.
Cùng ngày, 2 người phụ nữ là đồng nghiệp của ông S. cũng nhận được tin nhắn từ facebook của ông S. đề nghị mỗi người cho mượn 25 triệu đồng. Sau đó, cả 2 người này mỗi người chuyển 25 triệu đồng vào tài khoản nói trên cho các đối tượng.
Đến chiều cùng ngày, 3 người phụ nữ nói trên đã liên lạc với ông S. thì được biết, ông S. không sử dụng tài khoản facebook để nhờ những người này chuyển tiền vào số tài khoản mà các đối tượng trên đã cung cấp. Trước sự việc này, vợ ông S. đã làm đơn trình báo đến cơ quan công an.
Cũng bằng thủ đoạn tương tự, ngày 17/2 vừa qua, đối tượng Giải đã đăng nhập và hack vào một tài khoản facebook khác để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Khi Giải và Tú chưa kịp rút số tiền trên thì bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện.
Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Giải và Tú tại tỉnh Quảng Trị.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai, sau khi vợ và 2 nữ đồng nghiệp của ông S. chuyển tổng số tiền 90 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, Giải nhắn tin cho Tú để rút tiền ra và chia nhau tiêu xài. Để tránh sự phát hiện hành vi lừa đảo này, trước khi rút tiền, Tú đã dùng internet banking chuyển tiền qua lại giữa nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, rồi mới rút tiền tại các cây ATM.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Tú lên mạng facebook đặt mua các tài khoản ngân hàng với giá 1 triệu đồng/1 tài khoản. Trong đó, có tài khoản dùng để lừa đảo 3 người quen của ông S.
Đối tượng Đoàn Quang Duy Tú tại cơ quan điều tra. |
Thông qua việc theo dõi các đối tượng chuyển tiền từ tài khoản để lừa đảo 3 người này đến nhiều tài khoản khác, cơ quan công an xác định, Tú là người sử dụng tài khoản trên để chuyển tiền, đồng thời cũng là người cung cấp số điện thoại để đăng ký dịch vụ internet banking cho số tài khoản này.
Theo ông S., do tin tưởng nên khi nhận được tin nhắn vay tiền từ facebook của ông, vợ ông và 2 đồng nghiệp đã chuyển luôn mà không gọi điện xác minh lại. Những người phụ nữ bị lừa chuyển tiền cho ông cũng là vì có sẵn điện thoại để chuyển tiền nên mới nhanh như vậy.
Vị Phó bí Huyện ủy này cũng cho biết, một số người khác cũng nhận được tin nhắn hỏi mượn tiền từ facebook của ông. Tuy nhiên, họ đã gọi điện hỏi ông trước khi chuyển và khi biết ông không vay nên họ không chuyển.
“Sau khi biết sự việc, tôi đã gọi điện xin lỗi 2 nữ đồng nghiệp. Một đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã đi vay tiền để trả lại. Đồng nghiệp kia thì cũng thông cảm và nói đợi cơ quan chức năng điều tra rồi sẽ tính chứ không chịu nhận tiền của tôi. Về mặt pháp lý, không phải tôi lừa đảo nên tôi không phải chịu trách nhiệm nhưng về tình cảm thì tôi thấy mình cũng có trách nhiệm”, ông S. cho biết.
Vạch trần thủ đoạn lừa đảo
Theo Bộ Công an, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an nhận thấy các đối tượng hack facebook của người dùng bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để từ đó đánh cắp thông tin mật khẩu.
Sau khi hack được một tài khoản facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản facebook bị hack, rồi gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ facebook.
Từ đó, các đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như: vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; nói mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc...
Theo Bộ Công an, các tài khoản facebook mà các đối tượng lựa chọn để hack thường là tài khoản của những người lớn tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu tài khoản một cách dễ nhớ, giản đơn. Hoặc các chủ tài khoản facebook đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... các bị hại sẽ khó liên hệ ngay được với chủ facebook để kiểm chứng thông tin.
Phân tích thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, Bộ Công an nêu rõ, để dẫn dụ người dùng facebook thiếu cảnh giác đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản facebook bị báo chí xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản facebook của mình để tiếp tục xem nội dung mà báo chí viết gì về mình.
Đối tượng Đỗ Văn Giải tại cơ quan điều tra. |
Các đối tượng cũng gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản đã có gia đình là có vợ, chồng đi ngoại tình và bị các đối tượng chụp ảnh, ghi hình lại. Chủ tài khoản facebook muốn lấy hình ảnh và biết cụ thể thì đăng nhập vào tài khoản facebook để xem hình ảnh, video được tải lên internet.
Cách khách là những đối tượng này sẽ gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản là con, bạn bè thân thiết… đang tham dự một cuộc thi, hiện đã lọt top 10 nên cần lượt chia sẻ để tăng like, lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập facebook và làm theo hướng dẫn của website...
Thực chất, các đường link này đều là đường link giả mạo được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng.
Bộ Công an cảnh báo, người dùng facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên facebook… Cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi.
Đồng thời, người dùng facebook chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của facebook. Tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.
Ngoài ra, người dùng facebook cần cài đặt mật khẩu có yếu tố bảo mật cao, hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu. Luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy. Cài đặt cảnh báo đăng nhập để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.