Anh Ngôn đã mạnh dạn đầu tư số lượng rắn lớn để nuôi, nhân giống và bỏ công, bỏ của ra chăm sóc chúng, kết quả anh thu về túi rủng rỉnh vài trăm triệu mỗi năm.
Từ chỗ tò mò “nuôi chơi”
Anh Trương Thành Ngôn vốn dĩ là một thợ máy sửa chữa máy nổ, công việc hàng ngày của anh chủ yếu xoay quanh máy móc cơ khí, dầu nhớt. Chưa một ngày anh nghĩ mình sẽ là một nông dân, ấy vậy nhờ cơ duyên mà nay anh đã đổi đời, khấm khá hơn nhờ việc nuôi rắn.
Cụ thể, cách đây 6 năm, anh được một người hàng xóm cho cặp rắn ri voi tự nhiên, ban đầu đem về với mục đích chỉ nuôi chơi vì chúng không có độc. Thời gian sau, cặp rắn bắt đầu sinh sản, thấy nhiều nên một số người có ý hỏi mua nên anh Ngôn sẵn sàng chia lại. Qua nhiều lần chia lại đàn, anh cũng tham khảo về giá trị kinh tế rắn ri voi mang lại, nhận thấy loài này không có độc, tiêu thụ mạnh và được giá trên thị trường, vậy là anh Ngôn quyết định đầu tư chuồng trại, gia tăng số lượng đàn.
“Lúc đầu tính nuôi rắn chơi cho vui, bạn bè đến nhà thì đem ra khoe cho mọi người trố mắt, chính bản thân mình cũng đâu có ngờ nuôi đến giờ với số lượng lớn như vậy”, anh Ngôn cho biết.
Nhưng vì không có diện tích rộng để nuôi, nên anh đã tận dụng khoảng trống trên sân thượng với hơn 60m2 để làm “nhà” cho rắn. Điểm táo bạo, giúp anh nổi bật và khác biết hơn những người nuôi rắn khác là thay vì nuôi trong láng trại bằng nền xi măng, hay lu, khạp, người đàn ông này lại quyết định nuôi trong hồ kính.
Răn ri voi cái có cân nặng từ 2kg trở lên, một lứa có thể đẻ 25 rắn con. |
Anh chia sẻ rằng, lúc trước khi được cho cặp rắn, chưa biết nuôi chỗ nào, nên anh thả đại vào hồ kính bị bỏ không, không ngờ loài rắn này có thể sống và phát triển tốt và sinh sản được. Một ưu điểm lớn khi nuôi rắn trong bể kính mang lại là vì nhìn qua kính sẽ dễ dàng quan sát được tình trạng của rắn như thế nào, có dấu hiệu bệnh ra sao để sớm thực hiện công tác điều trị. Thêm vào đó, khi nuôi bằng bể kính sẽ an toàn, không sợ nước ngấm vào nền, hư hại ngôi nhà.
“Ban đầu, vì chưa hiểu tập tính của loài rắn này nên trong quá trình nuôi tôi gặp cũng không ít khó khăn. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm được tích lũy dần, tôi cũng đã nhân giống loài rắn này thành công”, anh Ngôn bộc bạch
Để bắt đầu một mùa sinh sản, thường thì vào khoảng tháng 8 âm lịch diễn ra đến qua Tết Nguyên đán, đó chính là thời điểm anh Ngôn sẽ thả chung cặp rắn vào chung với nhau để giao phối. Đến tháng 4 âm lịch thì rắn cái sẻ đẻ và anh sẽ có thành quả. Răn ri voi cái có cân nặng từ 2kg trở lên, một lứa có thể đẻ 25 rắn con, và những con cái có cân nặng khoảng 1kg thì cho ra từ 15 đến 17 con.
Chuyên tâm với nghề nuôi rắn
Vốn là một thợ máy, nên đồ nghề hàn tiện đều có sẵn, nên mọi thứ từ chân khung, kệ sắt, bố trí đều do anh Ngôn tự tay làm tất cả, đến nay anh đã có 100 hồ để thả rắn. Theo đó, mỗi chiếc hồ kính sẽ có diện tích tổng thể dài khoảng 1,2m, cao và rộng 0,5m, ở đáy hồ sẽ có van xả nước thải, để tiện cho việc vệ sinh chỗ ở của rắn. Chi phí đầu tư mỗi hồ rơi vào tầm 1 triệu đồng, có thể nuôi được 5 con rắn bố mẹ có trọng cân nặng từ 1-4kg hoặc rắn thịt với cân nặng khoảng 1kg sẽ nuôi được 10 con. Giá thể để cho rắn trú ngụ là lá dừa và lá chuối khô.
Lá dừa, lá chuối khô…được anh sử dụng làm giá thể cho rắn trú ngụ. |
Đối với rắn con mới đẻ, anh Ngôn chăm rất tỉ mỉ, cẩn thận, thời gian đầu sẽ tách chúng khỏi rắn mẹ, cho vào từng can nhựa chăm sóc, cho ăn riêng để phát triển đồng đều. Giá thể nuôi rắn con trong giai đoạn này sẽ là cỏ khô. Khoảng 5 ngày sau là có thể cho ăn và từ đó, cứ cách 5 ngày sẽ đồng loạt thay nước và cho rắn con ăn đều đều.
Theo anh Ngôn, nuôi rắn ri voi cần nhất là phải vệ sinh sạch sẽ, nếu làm tốt khâu đó, rắn sẽ ít bệnh. Hồ kính sẽ phải thay nước 1 tuần/lần trước khi cho rắn ăn. Thức ăn của rắn ri voi thường là cá da trơn, cá trê và cá chốt, nhưng nên ưu tiên cho ăn cá trê, đặc biệt là cá trê con. Lý do là vì ngạnh cá trê mềm hơn, hơn nữa cho thức ăn nhỏ rắn sẽ dễ nuốt, không bị rách miệng.
“Loài này rất dễ nuôi, cũng nhẹ công chăm sóc, từ 4 - 7 ngày mới cho ăn một lần, thức ăn thì lại rất dễ tìm. Hơn nữa loài này có tập tính ngủ đông vào khoảng tháng 11 Âm lịch đến hết tháng Giêng, lúc đó khoảng cách ngày cho ăn sẽ xa hơn, hoặc giảm trọng lượng thức ăn lại. Mặc dù loài này khỏe mạnh dễ nuôi, nhưng không vì thế mà chểnh mảng, trái lại vẫn phải chăm sóc chúng hết sức cẩn thận, tỉ mỉ để chúng ít bị bệnh, tỷ lệ sống và phát triển cao”, anh Ngôn chia sẻ.
Một phân gian trước của sân thượng được anh tận dụng nuôi rắn. |
Đến nay, đàn rắn của anh tăng gấp nhiều lần so với những năm trước với hơn 700 con rắn ri voi bố mẹ. Không những nuôi rắn thịt xuất bán, giờ đây còn anh Ngôn còn tập trung chủ yếu vào việc sản xuất, cung ứng rắn giống. Cụ thể, rắn có cân nặng từ 1 – 1,2kg/con sẽ có giá dao động từ 750.000 – 800.000 đồng/kg. Về rắn giống nữa tháng tuổi sẽ có giá 80.000 đồng/con, rắn 1 tháng tuổi sẽ có giá 100.000 đồng/con. Cứ thế, năm qua, anh Ngôn xuất bán 2.000 con giống thu về số tiền hơn 200 triệu đồng.
Nói về mô hình làm kinh tế của anh Ngôn, ông Nguyễn Văn Huyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị trấn Cây Dương cho biết: “mô hình nuôi rắn của anh Trương Thành Ngôn có thể nói là độc nhất ở thị trấn này, nhờ khéo léo tận dụng diện tích sân thượng. Nhận thấy mô hình kinh tế ổn định, chính quyền địa phương khuyến khích bà con nuôi rắn ri voi để phụ trợ kinh tế và hiện cũng đã có nhiều người lấy con giống từ anh Ngôn về nuôi cũng cho kết quả khả quan.
Trong tương lai, chính quyền cũng sẽ hỗ trợ tìm đầu ra cũng như có những chính sách hỗ trợ vốn để mọi người mạnh dạn làm, qua đó góp phần đưa kinh tế gia đình khấm khá hơn”.