[links()]Câu chuyện làm kinh tế giỏi của ông “vua cá” này có lẽ khắp vùng đất Thông Huề đều biết. Thế nhưng, ít ai biết, để có trong tay gia sản bạc tỷ hiện giờ, người từng một thời được gọi là “kẻ cố chấp” ấy đã phải trải qua một hành trình dài thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.
“Vua cá” Hoàng Văn Rứ |
Nếm trải truân chuyên tình đời
Tên gọi đầy đủ của ông “vua cá” ấy là Hoàng Văn Rứ, trú tại xóm Nặm Thúm, xã Thông Huề (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Năm nay dù tuổi đã quá ngưỡng ngũ tuần nhưng ông Rứ vẫn mang một dáng vóc chắc đậm, nước da có ngăm ngăm của người nếm trải sương gió. Vừa dẫn chúng tôi thăm quan cơ ngơi do chính bàn tay mình tạo dựng, ông vừa kể câu chuyện quá khứ đắng cay nhưng cũng đầy nghị lực của bản thân.
Ngày xưa, nhà nghèo lại đông anh em, cả gia đình Rứ chỉ trông vào mấy đám ruộng cằn nằm chênh vênh bên mấy lũng sâu nên quanh năm phải sống trong cảnh quay quắt vì đói ăn. Ngay khi còn nhỏ ý thức lao động để phụ giúp gia đình của Hoàng Văn Rứ đã định hình từ sớm. Cứ mỗi đận hết việc đi rừng, lên rẫy, rảnh rang là Rứ lại men theo các bờ suối, khe nước để tìm bắt cá về phụ thêm bữa ăn đạm bạc chỉ toàn rau cháo. Tình yêu cá trong Rứ chẳng biết đã định hình từ bao giờ.
Đến tuổi trưởng thành Hoàng Văn Rứ cũng hăng hái xin nhập ngũ, thế nhưng yêu cầu của Rứ không được chấp nhận. Để thỏa trí trai khi đất nước chưa hòa bình, cũng là để giữ trọn đạo hiếu Hoàng Văn Rứ xin đi dân công địa phương. Ngày đi lao động sản xuất, đêm về Rứ lại có thời gian chăm sóc mẹ già.
Trên vùng đất cằn, bao quanh chỉ toàn đá núi như Thông Huề nhà nào cũng đua nhau khai phá đồi núi trồng mơ, trồng mận. Hoàng Văn Rứ cũng không ngoại lệ, thế nhưng sau gần 5 năm hì hụi, mận chín đỏ gốc cũng không ai mua. Không có đầu ra cho cây mơ, cây mận những người dân nghèo nơi đây đành bấm bụng chặt bỏ mà lòng ruột như bị sát muối.
Sau năm 1979, những thất bại kinh tế từ cây mơ, cây mận đã cho Rứ một bài học đầu đời đáng nhớ. Biết Rứ có ý định làm kinh tế bằng cách nuôi cá trên núi, lúc ấy chẳng mấy ai tin, cũng chẳng mấy người ủng hộ. Thuyết phục mãi cuối cùng Hoàng Văn Rứ cũng được năm người bạn thân đồng ý, chung chi vốn làm ăn.
Số tiền vốn khởi nghiệp gom góp chưa đến 100 triệu đồng, không đủ để khoét đá làm ao huống chi nói đến việc mua cá giống. Nghĩ thế, nên Rứ cùng mọi người bàn nhau chịu khó lấy công làm lãi. Tự bỏ sức lực dọn đá, khoét đất làm được một ao cá có diện tích hơn 2.000m2. Nguồn giống cá được Rứ tận dụng bằng nhiều nguồn, theo lời giải thích của ông Rứ nghĩa là “cá nào cũng thả”.
Hiệu quả đâu chưa thấy, nhưng những đợt rét kéo dài, nhiệt độ trên cả vùng Trùng Khánh này hạ xuống dưới 10 độ, Cá trong ao chết nổi trắng.
Do là cá tạp, thu mua, nhặt nhạnh từ nhiều nguồn mà thả nên chất lượng sống thấp, không đồng đều thậm chí còn có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Mặt khác nước ao chỉ trông chờ vào “nước trời” nên ao nuôi bị ô nhiễm nặng mà không có nước để thay.
Cá chết, cái chuyện làm kinh tế theo kiểu nuôi cá trên núi chắc chắn chỉ là chuyện viển vông. Bạn bè không ai còn đủ sự kiên nhẫn để tiếp tục chung sức với Rứ nữa, họ rút vốn làm ăn.
Bạn bỏ, một mình Hoàng Văn Rứ vẫn cố bám trụ lay lắt với cái ao cá khởi nghiệp 2.000m2 ấy, thế nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Trận lũ nguồn năm 2002 tràn qua, quét sạch công sức lao động sắp đến ngày thu hoạch. Ao đầm bị đất đá vùi lấp, hoa màu, cá, gà, vịt… tất cả đã trôi theo dòng nước. Trở nên trắng tay, nhìn công sức bao ngày vất vả nay chẳng còn gì Hoàng Văn Rứ chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn mà lòng quặn thắt.
Không cam chịu thất bại Hoàng Văn Rứ vẫn luôn tự nhủ phải làm lại, phải làm mô hình nuôi cá trên vùng đá núi này thành công. Người hiểu chuyện thì chỉ lắc đầu ái ngại, lo công việc mà Rứ đang làm cũng chỉ mang đến thất bại. Kẻ ghét thì dè bỉu, nói Rứ là kẻ gàn dở, đồ cố chấp, thấy không có kết quả mà cứ đâm đầu vào. Rứ biết, nhưng ông vẫn để ngoài tai tất cả những lời nói đó, vẫn kiên trì với niềm tin mình sẽ thành công.
Đến ông “vua cá” trên vùng đá núi Trùng Khánh
Làm việc quần quật bên mấy vuông cá, khoét đá, vét đất đắp bờ. Nắm lấy bàn tay trai sần, rơm rớm máu của chồng, người vợ ông Rứ xót xa, khóc lóc van xin ông đừng tiếp tục công việc này nữa.
Một góc trang trại của Hoàng Văn Rứ |
Lúc ấy ông Rứ chỉ cười, lau khô nước mắt cho vợ rồi lại tiếp tục ra đào ao. “Ngày ấy trong nhà chẳng có gì cả, hai vợ chồng chỉ có bát cháo loãng ăn độn rau dại. Vậy mà tôi vẫn có sức quần quật bên ao cá…”, ông Rứ nói.
Ngoài việc phục hồi lại diện tích ao cá ban đầu, tự tay Hoàng Văn Rứ còn đào thêm ao cá có diện tích 4.000m2, khoan giếng, mở đường dẫn nước vào ao. Lúc này Hoàng Văn Rứ đã ngộ ra những kinh nghiệm sau lần thất bại trước. Làm trang trại nuôi cá quy mô lớn không thể đùa được. Hơn nữa nuôi được cá trên vùng đá núi, nhiệt độ quanh năm ẩm thấp lại càng khó.
Với những bài học về chuyện quản lý, lựa chọn con giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi rồi tiên lượng thị trường… đã giúp Hoàng văn Rứ lựa chọn hướng làm ăn phù hợp hơn với tình hình.
Nhưng để có được tiền đầu tư con giống và tiếp tục cải tạo hồ đập, Hoàng Văn Rứ thuyết phục vợ bán nốt đôi bông tai vàng. Tài sản giá trị duy nhất trong nhà cũng là vật đính ước giữa ông và vợ. Ngân hàng huyện thấy ông quyết tâm, cho vay thêm 50 triệu nữa. Có vốn Hoàng Văn Rứ đầu tư mua cá giống, đặc biệt là những giống cá có khả năng chống chịu rét cao, phù hợp với mùa đông buốt giá nơi đây như: cá rô phi, mè…
Để lấy ngắn nuôi dài cũng là biện pháp xen canh bổ trợ, năm 2006 ông Rứ nuôi thử nghiệm hơn 70 con dê. Năm 2009 đầu tư 60 triệu xây thêm ao cá, diện tích 2.200m2. Những giống cá Hoàng Văn Rứ nuôi giờ không đơn thuần chỉ là rô phi, mè, chép nữa mà còn xuất ra những lứa cá Vược thương phẩm đầu tiên, trọng lượng mỗi con trung bình cũng đạt từ 1-2,5kg. Nhờ sự nghiên cứu tìm hiểu kỹ tập tính, thói quen… trước khi đầu tư chăn nuôi, các con giống bước đầu đều mang mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định.
Lấy phương châm “dùng ngắn nuôi dài” là chủ đạo kết hợp với mô hình chăn nuôi khép kín, tận dụng diện tích để nuôi nhiều ghép nhiều loại con giống có thu nhập cao.
Hoàng Văn Rứ "bật mí": “Việc tự sản xuất thức ăn cũng là khâu quan trọng, giúp chủ động gia giảm dinh dưỡng cho cá, bảo đảm cá không nhiễm bệnh từ bên ngoài”. Thực vậy, ngay bên những vuông cá trải dài là một dãy lán trại nuôi giun quế cùng với dàn máy xay, ép thức ăn khép kín được ông Rứ tự chế tạo, lắp ráp. Nhờ vậy, chi phí nuôi cá càng giảm, lợi nhuận càng cao. Mỗi lần kéo cá là các các nhà hàng, khách sạn lớn ở các nơi như Thông Nông, Quảng Uyên… đều tìm đến tận nơi thu mua.
Suốt nhiều năm liền ông Rứ luôn là một tấm gương chăn nuôi sản xuất tiêu biểu, giành được nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh cũng như chi hội nông dân Cao Bằng.
Khi được hỏi về dự định sắp tới Hoàng Văn Rứ hồ hởi cho biết sẽ áp dụng thêm mô hình nuôi tắc kè thương phẩm đầu tiên trên đất Cao Bằng. Ông cũng sẽ nhiệt tình chỉ dẫn phương pháp làm kinh tế của cá nhân cho những ai muốn học hỏi.
Thoáng chút suy tư khi nói lời giã từ, ông Rứ bộc bạch “ai cũng có thể làm giỏi kinh tế nếu như có sự kiên trì và lao động thực sự. Những khó khăn vấp váp lúc khởi nghiệp là khó tránh khỏi nhưng nó chỉ làm cho mình cứng cáp thêm mà thôi. Biết học từ những cái thất bại chắc chắn sẽ thành công…”.
Giang Nam