“Lật tẩy” những chiêu thức tuyển mộ người của IS

Những chiêu trò lừa gạt của IS đã lừa được không ít người
Những chiêu trò lừa gạt của IS đã lừa được không ít người
(PLO) - Cách thức tuyển mộ các chiến binh Hồi giáo thánh chiến thường dựa trên việc đánh giá mức độ hiểu biết Đạo Hồi theo thang bậc từ 1 đến 3. Tuy nhiên, hàng nghìn tài liệu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị rò rỉ cho thấy đa phần các tân binh đều có hiểu biết rất hạn chế về Hồi giáo. 

Theo các tài liệu mà trang mạng Zaman al-Wasl của phe đối lập ở Syria có được, 70% tân binh được ghi trong danh sách chỉ ở mức tuyển lựa thấp nhất- tức là chỉ có kiến thức “cơ bản” về luật Shariah- một hệ thống các luật lệ hà khắc diễn dịch từ các câu trích trong kinh Koran và “Hadith” (những câu nói và hành động của Thánh Mohammed- người sáng lập ra Đạo Hồi).

Khoảng 24% được xếp loại có kiến thức “bậc trung”, và chỉ 5% được đánh giá là “cao”; chỉ có 5 tân binh được ghi có thuộc kinh Koran. 

Lợi dụng tôn giáo

Các kết quả này lý giải một trong những câu hỏi hóc búa nhất về việc tuyển quân của IS ở Mỹ và châu Âu: Liệu những người hiểu luật Shariah có khuynh hướng cực đoan hơn hay là những người có ít kiến thức về Đạo Hồi dễ bị tác động hơn bởi các tư tưởng cực đoan kích động bạo lực của nhóm này?

Các tài liệu cho thấy câu trả lời thiên về khuynh hướng sau. IS lợi dụng sự ngu dốt tôn giáo, cho phép những kẻ cực đoan dùng cái mác Đạo Hồi để diễn giải một cách phù hợp mục tiêu mở rộng tối đa lãnh thổ và chém giết ngay khi các tân binh gia nhập hàng ngũ. 

Những kẻ ủng hộ IS khét tiếng nhất dường như lại có sự kết nối rất hời hợt với tôn giáo. Mohamed Lahouaiyej Bouhlel, kẻ đã giết 85 người bằng xe tải trong Ngày Quốc khánh Pháp ở Nice, được gia đình và hàng xóm mô tả là một người thờ ơ với tôn giáo, hay dao động và chè chén say sưa, thích nhảy salsa và có người tình đồng tính.

Không như Omar Mateen, kẻ tấn công ở Orlando, Bouhlel không công khai tuyên bố cảm tình với IS, càng ít tỏ ra mình có quan hệ trực tiếp với những kẻ quá khích ở vùng chiến sự. Tuy nhiên, IS đã nhanh chóng xác nhận cả hai tên này đều là thành viên của mình. 

AP đã tiến hành phân tích các tài liệu là mẫu đơn gia nhập IS của khoảng 4.030 tân binh nước ngoài tới Syria trong thời gian nhóm này đang nhanh chóng mở rộng và thâu tóm lãnh thổ ở Iraq và Syria từ 2013-2014.

Vào thời gian đó, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính nhóm cực đoan này có khoảng từ 20.000-31.500 tay súng ở Iraq và Syria. Trong các tài liệu này có đơn của 9 trong 10 thanh niên tới từ thành phố Strasbourg ở miền Đông nước Pháp, tất cả đều do một kẻ có tên là Mourad Fares tuyển lựa.

Một trong số này, Karim Mohammad Aggad, cho biết đã đi uống rượu cùng Fares ở Đức. Thanh niên này nói với các điều tra viên rằng những kẻ tuyển lựa của IS đã “nói chuyện ngon ngọt” để thuyết phục mình.

Karim đã cùng em trai và bạn bè tới Syria vào cuối năm 2013. Hai người trong số này đã chết ở Syria và vài tháng sau, 7 người quay trở lại Pháp và bị bắt. Em trai Karim là Foued, 23 tuổi, đã trở về Paris và là 1 trong 3 tên đã xả súng trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan đêm 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng. 

Trước khi bị kết án 9 năm tù, Karim nói trước tòa: “Tín ngưỡng tôn giáo chẳng liên quan gì tới việc tôi ra đi. Đạo Hồi được dùng làm cái bẫy để bẫy tôi”. Các số liệu của IS cho thấy Karim và em trai Foued nằm trong số 8 kẻ thuộc nhóm Strasbourg được ghi là có kiến thức “cơ bản” về Sharia.

Bày tỏ một thái độ chung như nhiều người châu Âu gốc Bắc Phi khác, Karim nói rằng hắn cảm thấy mình như một người nhập cư ở Algeria và một “tên Arab bẩn thỉu” ở Pháp. Chỉ sau vài tháng ở Syria, Karim rời bỏ IS bởi bị những kẻ cực đoan đối xử như “kẻ chối bỏ đạo”.

Khi bị tòa hỏi dồn về hiểu biết của mình về luật Shariah và cách thức IS thực hiện nó, Karim chỉ đứng yên và lặp đi lặp lại: “Tôi không biết gì để trả lời”. 

Samy Amimour (trái), Foued Mohamed-Aggad (giữa), Ismael Omar- những thủ phạm khủng bố Paris
Samy Amimour (trái), Foued Mohamed-Aggad (giữa), Ismael Omar- những thủ phạm khủng bố Paris

Patrick Skinner, một cựu sĩ quan CIA có nhiều kinh nghiệm về các tổ chức cực đoan ở Trung Đông, cho biết một số người khẳng định lòng trung thành với IS nằm ngoài tín ngưỡng tôn giáo, song đa số những người gia nhập IS, kể cả những người từ các nước phương Tây, là những người “đạt tới cảm giác hội nhập, cảm giác tai tiếng, cảm giác kích động”. Skinner nói: “Tôn giáo là thứ xếp sau”. 

Vỡ mộng

Hiểu biết luật Shariah của những người được tuyển mộ rất quan trọng bởi IS không chỉ cần các tay súng và đánh bom liều chết mà còn cần những người điều hành và các thẩm phán Shariah để giám sát các tòa án và luật sư địa phương, những người có vai trò quảng bá tư tưởng của IS.

Điều này có ý nghĩa bởi theo nghiên cứu của Trung tâm Chống Khủng bố của quân đội Mỹ- một viện thuộc Học viện Quân sự Mỹ, những người có kiến thức cao về Shariah trong các tài liệu của IS lại ít sẵn sàng trở thành kẻ đánh bom liều chết.

Báo cáo viết: “Nếu tử vì đạo được coi là tiếng gọi tôn giáo cao cả nhất, thì lẽ ra những người có hiểu biết về luật Hồi giáo (Shariah) sẽ mong muốn được thực hiện những hành động đó nhiều hơn”.

Tuy nhiên, bất chấp những lý do tôn giáo mà IS dùng để biện hộ cho các vụ tấn công liều chết, “những kẻ có kiến thức tôn giáo cao trong tổ chức này lại là những kẻ ít tình nguyện trở thành kẻ tấn công liều chết”. 

Học giả Hồi giáo Tariq Ramadan cho biết, nếu xét kỹ những chỉ huy cấp cao của IS thì thấy rằng nhiều tên không có chức phẩm tôn giáo mà thay vì thế, chúng đã từng giữ các vị trí trọng trách trong chính quyền đảng Baath thế tục của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Ramadan nói: “Những kẻ làm việc đó (tấn công liều chết) không phải là đang thực hiện hành vi tử vì đạo mà chúng là những kẻ phạm tội. Chúng đang giết những người vô tội. Không có quy định nào trong Đạo Hồi lại có thể biện minh cho việc giết người vô tội”. 

Một tân binh châu Âu 32 tuổi đề nghị giấu tên vì sợ bị trả thù nói: “Tôi nhận ra rằng mình đã ở nhầm chỗ khi họ bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi kiểu như ‘Khi anh chết, chúng tôi cần gọi cho ai?’” Người này cho biết anh ta nghĩ mình tham gia vào một nhóm chiến đấu chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad để giúp người Syria, chứ không phải là IS.

Người này đã tới Syria năm 2014. Anh ta cho biết các tân binh được xem các video tuyên truyền của IS về Đạo Hồi và các lãnh tụ tôn giáo tới rao giảng về việc tử vì đạo. Xa nhà, không được dạy về tôn giáo, không có mối liên hệ gia đình và không có các thiết bị điện tử, đa số họ không thể đánh giá được đúng sai. 

Mohamed Lahouaiyej Bouhlel, kẻ đã giết 85 người bằng xe tải trong Ngày Quốc khánh Pháp ở Nice
Mohamed Lahouaiyej Bouhlel, kẻ đã giết 85 người bằng xe tải trong Ngày Quốc khánh Pháp ở Nice

Tân binh châu Âu cho biết anh ta chuyển sang đạo Hồi bởi quan tâm tới văn hóa và việc này rất đơn giản. “Nó chỉ yêu cầu một buổi cầu nguyện và không cần biết trước về đạo Hồi. Không có các thứ bậc và tất cả là về cách sống một cuộc sống tốt đẹp”.

Là người cải đạo hầu như không có kiến thức về đạo Hồi, người này cho rằng mình là một con mồi dễ dàng. “Những người như tôi bị lừa vào một thứ mà họ không hiểu. Tôi chẳng bao giờ có ý định kết thúc cuộc đời với IS”…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.