Phần lớn ý kiến dư luận đề nghị nên sớm quay trở lại cơ chế lãi suất thỏa thuận nhằm tháo gỡ bế tắc cung cầu vốn hiện nay. Đề xuất này đúng, nhưng chưa phải lúc, do những yếu tố vĩ mô chưa thực sự chín muồi.
Trong bối cảnh người đi vay gần như không có sự lựa chọn, “được vay là quý lắm rồi”, người gửi tiền lại có nhiều cơ hội để mặc cả với ngân hàng, sự bất tương thích này khiến thị trường bị lệch pha, nếu áp dụng ngay cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Có thể nói hậu quả liên tiếp từ “Cú sốc tiền tệ 2008” với cơn lốc tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm 21%/năm, cộng thêm các biện pháp “Giải cứu kinh tế 2009” mang tính tình thế gần như phá vỡ mọi thành quả của cơ chế lãi suất thỏa thuận đã đạt được từ nhiều năm trước đây. Để lập lại tình hình bình thường quả thực không đơn giản, cần có thời gian.
Lối ra hợp lý là chọn phương án “Lạt mềm buộc chặt”, trong đó phải xác định đúng vai trò của từng chủ thể có liên quan trực tiếp đến “ẩn số bài toán lãi suất”, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước-doanh nghiệp-tổ chức tín dụng. NHNN cần phải tiếp tục cầm chịch chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất cơ bản, nhưng cần sử dụng “sức mạnh vật chất” nhiều hơn thay vì “sức mạnh hành chính”, phải tối đa hóa hiệu quả các công cụ điều hành như thị trường mở, chiết khấu, tái cấp vốn… nhằm tạo thanh khoản thông suốt cho nền kinh tế.
Bảo vệ tính thanh khoản không chỉ cần thiết với hệ thống ngân hàng mà còn là tiền đề củng cố lòng tin xã hội vào đồng tiền quốc gia, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền luân chuyển bình thường, hướng hoạt động huy động vốn đi vào ổn định lâu dài chứ không thể mãi chạy đua tăng lãi suất, tựa như “lấy đá ghè chân mình”. Cần sớm từ bỏ cơ chế lãi suất thỏa thuận vừa khập khiễng, vừa mang tính nửa vời như hiện nay, thay vào đó nên áp dụng biên độ trong điều hành lãi suất cơ bản, xóa bỏ “cơ chế hai giá”, cho phép các ngân hàng thương mại chủ động vận dụng lãi suất cho vay tùy theo mức độ tín nhiệm và nguy cơ rủi ro đối với từng loại hình khách hàng nhưng vẫn không thoát ly khỏi tầm kiểm soát chung.
Có một thực tế, NHNN không thể nào quán xuyến hết mọi ngóc ngách, và cũng không nên cầm tay chỉ việc đối với ngân hàng thương mại, bởi hơn ai hết họ biết phải ứng xử như thế nào đối với tín hiệu thị trường, với khách hàng, Trường hợp cần định hướng ưu tiên hoặc hạn chế đối với những lĩnh vực nhạy cảm thì hoàn toàn có khả năng sử dụng công cụ vĩ mô khác và sử dụng các định chế tài chính do Nhà nước chi phối để bảo đảm mục tiêu này. Ví dụ muốn hạn chế đầu cơ bất động sản, chứng khoán chỉ cần sử dụng công cụ thuế hoặc quy định mức trích lập rủi ro cao hơn mức bình thường.
Khi đã có biên độ co giãn thì các ngân hàng thương mại phải tuân thủ “luật chơi”, không được phép vận dụng thu phí tùy tiện, ngoài trừ danh mục phí dịch vụ được NHNN chấp thuận và phải niêm yết công khai minh bạch tại điểm giao dịch, đây cũng là biện pháp dài hơi nhằm bảo vệ doanh nghiệp tránh khỏi sự “tấn công tự phát” của vấn nạn tín dụng đen, lãi suất cao, hoặc các kiểu phí tổn phi chính thức khác. Riêng lãi suất huy động trước mắt vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, không cho phép thoát ly quá xa so với chỉ số giá cả, tuy nhiên nên cho mở biên độ phù hợp đối với huy động kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên nhằm khuyến khích tăng độ ổn định nguồn vốn.
TÂM DÂN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.