Thực tế cho thấy, có những trường hợp cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài, qua môi giới thiếu thông tin dẫn đến có trường hợp chú rể 80 tuổi, cô dâu 20 tuổi hoặc tuổi con rể lại lớn hơn tuổi cha mẹ vợ. Có trường hợp chú rể gửi ảnh về Việt Nam trông rất đẹp trai, nhưng khi cô dâu Việt bay sang, đón ở sân bay là một người ngồi xe lăn nghẹo đầu, rớt dãi chảy lòng ròng… Hầu hết các cô dâu rơi vào tình cảnh đó đều phải nhắm mắt đưa chân, vì “ván đã đóng thuyền”…
Bi kịch “ván đã đóng thuyền”
Mỗi khi nói về thân phận những cô dâu Việt ở xứ người và nhất là những mảnh đời bất hạnh của những cô dâu "mỏng phận" như Võ Thị Minh Phương, Huỳnh Mai, Lê Thị Kim Đồng…, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp của Hội LHPN Việt Nam không khỏi xót xa. Theo bà Vân, những thảm cảnh mà cô dâu Việt phải gánh chịu, trong đó có một phần lỗi của… pháp luật.
Đám tang cô dâu Việt cùng hai con tại Hàn Quốc |
Thực trạng này khiến người ta đặt câu hỏi về những kẽ hở của quy định pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể, ở Hàn Quốc, việc đăng ký kết hôn rất mở, quy định chỉ cần chú rể người Hàn Quốc làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền mà không cần sự có mặt của cô dâu nước ngoài.
Lợi dụng quy định này, cô dâu Việt chỉ cần gửi hồ sơ sang Hàn Quốc để kê khai việc kết hôn là được nhập tên vào sổ hộ khẩu gia đình người chồng tại Hàn Quốc. Thế nên, theo nhiều cán bộ làm thủ tục ghi chú kết hôn ở các Sở Tư pháp, thì khi thụ lý hồ sơ kết hôn Hàn – Việt, họ đều cảm nhận thấy rõ sự “xa lạ” của cô dâu và chú rể, thậm chí nhiều đôi còn chưa có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu đã đi đến quyết định kết hôn.
Nhưng vì Luật HNGĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn luật cũng không quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước được quyền từ chối, không ghi chú kết hôn đối với những trường hợp đã kết hôn ở nước ngoài, cho dù rất nghi ngờ.
Thế nên, chuyện các cô dâu Việt làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Sở Tư pháp và thực hiện các thủ tục để xuất cảnh sang Hàn Quốc, chẳng khác gì “một sự đã rồi”.
Nghe tư vấn và… rút hồ sơ
Theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN-GĐ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Hội LHPNVN từ cấp tỉnh trở lên được thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn sau khi đã đáp ứng được một số điều kiện luật định.
Theo báo cáo của Hội LHPNVN, trên cơ sở quy định này, từ năm 2004 đến nay, cả nước có 15 Trung tâm được thành lập và thực hiện các hoạt động như: tuyên truyền chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình; tư vấn cho phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài; hướng dẫn giúp đỡ các bên về thủ tục ĐKKH, thí điểm giới thiệu kết hôn tại một số Trung tâm ở TP.HCM, Hải Dương (đa số các cuộc hôn nhân được giới thiệu đều có cuộc sống hạnh phúc ổn định); tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chị em…
Sau 8 năm, đã có gần 6.500 trường hợp được tư vấn về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và thủ tục ghi chú kết hôn. Thông qua tư vấn, nhiều phụ nữ đã hiểu được khó khăn, rủi ro có thể gặp phải khi đi làm dâu ở nước ngoài, nắm được quy định pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài để có sự chuẩn bị tâm lý…
Không sai khi nói rằng ở một số địa phương nhất là vùng miền Tây Nam Bộ, chuyện phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã trở thành một “nghề”. Thế nhưng, thống kê tại các Trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội LHPNVN cho thấy, đã có 475 trường hợp sau khi được tư vấn đã thay đổi ý định lấy chồng nước ngoài và xin rút hồ sơ.
Về mảng hôn nhân Việt – Hàn, đến nay, các Trung tâm đã giới thiệu được 276 phụ nữ Việt Nam kết hôn với chồng Hàn, và tất cả vẫn đang trong quá trình theo dõi diễn biến cuộc sống gia đình của những người này.
Lập trung tâm môi giới kết hôn để bảo vệ cô dâu Việt?
Cũng theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP, dịch vụ môi giới hôn nhân là tuyệt đối cấm. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi của một số tổ chức, cá nhân đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Thậm chí, có không ít trường hợp môi giới kết hôn đã hạ thấp phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc, thông qua việc thi tuyển, xem mặt, xem cơ thể, mà ở đó các cô gái Việt bị đối xử không khác gì con vật.
Từ thực tế này, một câu hỏi được đặt ra: Để bảo vệ cô dâu Việt, để giảm thiểu các rủi ro, nên chăng cho phép môi giới kết hôn hay không?. Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà cho rằng, luật pháp đang cấm môi giới kết hôn, nhưng nhiều đường dây môi giới, tuyển chọn cô dâu Việt vẫn hoạt động "chui" và Nhà nước không quản lý được.
Điều này dẫn đến phần lớn những người phụ nữ Việt Nam trước khi ra nước ngoài sống cùng chồng đều chưa được tư vấn đầy đủ, thiếu những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại, dẫn đến những hậu quả đau lòng.
“Quan điểm cá nhân tôi là cho phép thành lập thí điểm 2 trung tâm môi giới kết hôn, một ở trong Nam, một ngoài Bắc. Các trung tâm này ra đời sẽ liên kết với các tổ chức ở nước ngoài, giúp đỡ người Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế hoạt động môi giới chui, kết hôn bất hợp pháp”,Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà nói.
Bộ Tư pháp đang chủ trì sửa đổi Luật HN-GĐ. Thiết nghĩ, các nhà làm luật nên cân nhắc tới nhu cầu thực tế để cho phép thành lập thí điểm các trung tâm môi giới kết hôn. Bởi cho đến thời điểm này, qua những gì đã làm được và đang kỳ vọng, trung tâm môi giới kết hôn vẫn được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhất để góp phần bảo vệ cô dâu Việt ở xứ người.
Linh Thụy