Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, các đồ án do nhà đầu tư lập và báo cáo TP mới là ý tưởng quy hoạch.
Theo ông Anh, đây là ý kiến của nhà đầu tư, theo hướng tái định cư tại chỗ cho người dân. Sau khi cải tạo xong sẽ đưa người dân về nơi ở cũ. Ngoài ra, quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư; các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi trình phê duyệt theo đúng quy trình, quy định; không có chuyện nhà đầu tư đề xuất là được phê duyệt.
Trước đó, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công trong phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội).
Đây là một trong hai phương án đề xuất của Công ty Việt Hưng được báo cáo trước Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố.
Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267 m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.
Cho ý kiến về đề xuất lấp hồ Thành Công xây chung cư, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nêu rõ quan điểm không đồng tình và cho rằng đây là phương án không hợp lý.
Theo ông Nghiêm, hồ là cảnh quan thiên nhiên. Cảnh quan thì không chỉ đong đếm ở diện tích mặt nước mà còn ở hình dáng. Quan niệm về hồ không chỉ ở diện tích ở khối lượng nước mà phải ở hình dáng, ở thẩm mỹ.
“Như hồ nước ở Công viên Tuổi Trẻ mang hình chim bồ câu thể hiện khát vọng hoà bình. Hồ Tây tạo ra bán đảo Quảng An, hồ Bảy Mẫu liên kết ba vùng tạo ra ý nghĩa ba miền Bắc – Trung – Nam thống nhất. Hiện nay, hồ Thành Công tiếp cận một phần ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tạo nên không gian mở. Nếu bây giờ lấp đi để xây dựng công trình cao 35 tầng thì sẽ đánh đổi không gian của ngã tư đi trở thành không gian kín”, ông Nghiêm nói.
Trong phương án cải tạo khu tập thể Thành Công, tầng cao tối đa được đề xuất nâng lên tới 35 tầng và chiếm tới 70% là tỷ lệ căn hộ nhỏ loại 47,5m2; 20% loại căn hộ 60m2; 10% loại căn hộ 75m2.
Theo ý kiến của ông Nghiêm, với tỷ lệ cơ cấu căn hộ như vậy mật độ dân cư sẽ lớn hơn 10% so với quy hoạch dự định. Ông Nghiêm cho rằng, trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ việc nâng tầng phải tuân thủ theo quy hoạch Thủ đô.
Được biết, những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ tại Hà Nội đều được Hội đồng thẩm định đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP Hà Nội xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đang giao một số nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu. Hiện một số khu tập thể đã và đang triển khai lập quy hoạch như: Nguyễn Công Trứ, Hào Nam, Quỳnh Mai và Nghĩa Tân Tuy nhiên, một số khu vẫn đang tiếp tục báo cáo ý tưởng quy hoạch, trong đó có khu tập thể Thành Công.
Thông tin về công tác quy hoạch chung cư cũ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng.
Đến nay, ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc; có 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND TP về ý tưởng quy hoạch...