Nêu băn khoăn việc thành lập lực lượng này có làm tăng thêm biên chế, tăng ngân sách nhà nước hay không, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đây có lẽ là băn khoăn của rất nhiều đại biểu, cũng là vấn đề đã được nêu tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Từ đó, Đại biểu Tâm đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở tổng kết thực tiễn hiện nay cần cân nhắc nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chí để thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự, số lượng tối đa thành viên của tổ bảo vệ an ninh, trật tự để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Trong đó, cần lưu ý chú trọng đến các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) chỉ rõ, từ Điều 16 đến Điều 21 quy định rất nhiều chính sách, chế độ cụ thể và điều kiện hoạt động. Đại biểu đề nghị, cần rà soát đánh giá bảo đảm sự hài hòa, phù hợp với các lực lượng quần chúng khác ở cơ sở.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan. |
Ngoài ra, để thực hiện các quy định như dự thảo luật, cần có một nguồn lực ngân sách tương đối lớn và cơ chế tài chính cụ thể hơn mới đảm bảo được tính khả thi khi luật có hiệu lực. Do vậy, Đại biểu Lan đề nghị cần đánh giá tác động về nguồn lực thực hiện chính sách một cách đầy đủ và chính xác hơn và cần so sánh với mức quy định đủ về ngân sách ở lực lượng hiện có với số cần thực hiện khi chúng ta sắp xếp, kiện toàn lại lực lượng này thì mới đảm bảo được.
Đại biểu Lan cũng đồng tình với ý kiến của một đại biểu đã nêu về việc chưa phù hợp với cơ chế tài chính cho địa phương khó khăn. Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm được ngân sách để thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba. |
Cho rằng theo Tờ trình của Chính phủ là chúng ta thống nhất các lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an toàn ở cơ sở, nhưng Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) thấy cũng phải làm rõ thêm vấn đề liên quan đến đội dân phòng. Hiện nay, chúng ta mới thành lập được khoảng 79.000 đội dân phòng và đội viên là khoảng hơn 800.000. Nếu theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, chúng ta còn tới khoảng 230.000 đội và nếu thành lập hết thì có thể lên đến hàng triệu đội viên nữa, riêng đội trưởng, đội phó đã khoảng 47.000 nếu chúng ta thành lập hết theo Luật Phòng cháy, chữa cháy.
Theo Đại biểu Ba, chúng ta phải xác định là huy động người dân tham gia các lực lượng thì dù chúng ta có hỗ trợ kinh phí hay không vẫn sẽ là huy động lực lượng, nguồn lực của xã hội, kể cả không chi trả từ tiền ngân sách. Việc huy động đó nếu không cần thiết, không hợp lý sẽ là lãng phí nguồn lực và cũng cần phải đánh giá tác động. Việc giải trình trong hồ sơ dự án Luật cho rằng không đặt ra vấn đề hợp nhất lực lượng dân phòng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa thuyết phục, cần phải nghiên cứu để tính toán, Nếu cần thiết, chúng ta tổng kết các quy định liên quan trong Luật Phòng cháy, chữa cháy để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình tại phiên họp. |
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và đánh giá tác động của các chính sách này.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến tham gia vào nội dung trọng tâm của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án Luật này.
Theo Đại biểu Đồng Ngọc Ba, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả của công an chính quy cấp xã, chứ không phải chúng ta lại quan tâm theo hướng là ban hành Luật này để khắc phục những hạn chế đó. Việc không nắm được cơ sở hay có khó khăn trong tiếp cận phong tục, tập quán hay vấn đề về ngôn ngữ, đấy là hạn chế mà công an chính quy cấp xã phải khắc phục, chứ không phải dùng lực lượng khác để khắc phục hạn chế này.