Lập lại trật tự vỉa hè: Cần giải pháp căn cơ, tránh tái diễn

 Hà Nội ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)
Hà Nội ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng thường chỉ được một thời gian ngắn, vi phạm lại tái diễn. Làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này?

Lại “nóng” chuyện vỉa hè

Ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội thể hiện quyết tâm cao độ trong việc cắt giảm tình trạng buôn bán, lấn chiếm, sử dụng vỉa hè sai quy định. Trải qua giai đoạn 1 (đến hết 28/2) và một phần của giai đoạn 2 (1-31/3), cơ quan chức năng đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định, cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm; sau đó tổng kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm về hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố sai quy định.

Theo đó, một số tuyến phố nội thành đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, hè phố, lòng đường thông thoáng, rộng rãi. Nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ cơ quan chức năng “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, tránh nguy cơ mất an toàn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế những ngày qua, tại các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ,… không hiếm gặp tình trạng vỉa hè, lòng đường nhiều tuyến phố vẫn bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán, để xe. Đơn cử trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Núi Trúc, Nghĩa Tân, Cầu Giấy…

Đáng nói, trong giai đoạn 3 (1/4-1/11), các lực lượng duy trì kiểm tra, xử lý, không để vi phạm tái diễn – đây có thể được xem là vấn đề khó nhất trong việc giải quyết triệt để vấn nạn lấn chiếm vỉa hè sai quy định, vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Vào tháng 3/2017, lực lượng chức năng cấp quận, phường ở Hà Nội đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, sau đó chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội đã thất bại bởi chỉ trong thời gian ngắn sau khi các cuộc xử lý kết thúc, sự thông thoáng của vỉa hè lại bị “bủa vây” bởi các hàng quán, bãi đỗ xe… Đến nay, câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè lại “nóng” lên một lần nữa cũng là minh chứng cho thấy vấn đề này vẫn chưa hết nhức nhối, cần giải pháp căn cơ, triệt để, tránh tái diễn.

Phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, khi đã ban hành kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì khâu tổ chức thực hiện không được “đầu voi, đuôi chuột”; không để lúc ra quân thì rầm rộ, mới thực hiện thì quyết liệt, nhưng sau đó “có vấn đề này, vấn đề nọ” thì lại “chùn bước” để rồi vỉa hè tiếp tục bị chiếm dụng. Điều này nếu lặp lại như chiến dịch năm 2017 sẽ làm thành phố mất uy tín với người dân.

Giải pháp căn cơ ở đâu?

Các chuyên gia giao thông đã nhiều lần “hiến kế” cho Hà Nội giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Phần lớn ý kiến đồng tình đây là “việc khó nhưng nếu quyết tâm thì sẽ làm được”.

Theo quy định, vỉa hè phải dành 1m đến 1,5m cho người đi bộ. Do đó, những vỉa hè không đạt quy định trên đương nhiên không được kinh doanh, không được để xe. Nhiều chuyên gia phân tích, từ góc độ quy hoạch, khi xây dựng nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh, phần nào đã buộc các cơ sở kinh doanh này phải chiếm dụng vỉa hè để làm chỗ để xe cho khách. Trong khi đó, nhiều tuyến đường mới mở do thiếu đồng bộ trong việc nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nên đường vẫn chưa đủ rộng theo quy định.

Như vậy, một trong những giải pháp được đề xuất là Hà Nội cần tính toán được những nhu cầu về số lượng phương tiện tham gia giao thông cần dừng đỗ, mật độ người đi bộ trên từng tuyến phố nhằm phân tích và xây dựng quy hoạch cho khu vực đỗ xe, khu vực bán hàng mà không ảnh hưởng đến không gian đi bộ.

Cũng cần nhìn nhận khách quan ở chiều ngược lại rằng, việc sinh hoạt, buôn bán trên những con phố vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, từ các quán ăn đường phố đến trà đá, cà phê đều có thể xuất hiện ở mọi góc phố Hà thành. Hình ảnh gánh hàng rong chở đầy hoa, quả cũng từng được coi là một trong những nét văn hoá độc đáo của du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động này nếu để tự phát, không được quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ và mỹ quan đô thị.

Vậy bài toán ở đây không chỉ là tuyên truyền, xử phạt hành vi xâm chiếm vỉa hè, mà cần tìm ra giải pháp hữu hiệu, lâu dài để vừa quản lý vỉa hè không bị nhếch nhác, cản trở giao thông, vừa đảm bảo được sinh kế người dân.

Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới mẻ, phù hợp, hiệu quả từ việc tham khảo phương pháp của các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời kết hợp với hướng dẫn cụ thể, các chế tài xử lý đủ mạnh, bao gồm cả “phạt nguội” và hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Nhờ vậy, vỉa hè Hà Nội có thể sẽ sớm được trả lại “diện mạo vốn có”. Nếu thành công, Hà Nội sẽ trở thành một hình mẫu cho nhiều đô thị khác, điển hình là TP HCM vẫn đang “đau đầu” với vấn nạn này nhiều năm nay.

Đọc thêm

2 xe khách giường nằm va chạm: 18 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn.
(PLVN) -  Đến khoảng 8h30’ sáng 30/4, cơ quan chức năng bước đầu xác định có 18 người thương vong trong vụ tai nạn giữa 2 xe khách xảy ra vào khoảng 3h sáng cùng ngày, tại quốc lộ 25 đoạn giao nhau với đường Hồ Chí Minh (tuyến tránh qua huyện Chư Sê, Gia Lai).

Bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn giao thông tại TP Lào Cai

Bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn giao thông tại TP Lào Cai
(PLVN) - Nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là giúp khách du lịch tránh khỏi những tình huống vi phạm khi tham gia giao thông, Công an thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) phối hợp với UBND thành phố và đơn vị quản lý đường bộ bổ sung các biển báo trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Hà Nội: Thông báo các điểm tập kết, trông giữ phương tiện phục vụ nhân dân vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hà Nội: Thông báo các điểm tập kết, trông giữ phương tiện phục vụ nhân dân vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa ùn tắc, phục vụ Nhân dân và du khách đến thăm, viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các di tích lân cận, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố đã phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất tổ chức 05 địa điểm tập kết, trông giữ phương tiện.

Đường dẫn cao tốc “bịt” đường dân sinh tại Hà Tĩnh: Huyện Thạch Hà đề nghị làm đường gom dân sinh mới

Đường giao thông nông thôn phục vụ đi lại và sản xuất của hơn 50 hộ dân bị đường dẫn cao tốc cắt ngang. (Ảnh: Hữu Anh)
(PLVN) - Trong quá trình thi công đường dẫn lên cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi), do thiếu sót trong quá trình khảo sát ban đầu, đường giao thông nông thôn bị cắt ngang. Hàng chục hộ dân ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) có đơn phản ánh, đề nghị giải quyết để không ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất.