Cụ là hội viên cao tuổi nhất Hội Nhà văn Việt Nam, 100 tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng vẫn cần mẫn sáng tác. Trời đã phú cho cụ khối tài sản vô giá, đó là thời gian. Lão nhà văn đã dùng quãng thời gian dài đó để neo mình ở lại với đời bằng những trang viết sống động.
1.Trong lần đến thăm nhà văn Học Phi khi cụ bước sang tuổi 100, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát được cụ tiết lộ “mỗi ngày dành 4 tiếng đọc và viết”, nữ văn sĩ chỉ còn biết thốt lên: “Tuyệt vời” bởi không biết dùng từ gì cho thích hợp hơn.
Cuối tháng 7/2012 Hồng Ngát còn nhận được kịch bản phim “Âm vang Bãi Sậy” của lão nhà văn. Như vậy để thấy, sức khỏe và sức sáng tạo bền bỉ của Học Phi khiến những nhà văn ở tuổi 60, 70 phải theo dài dài. Kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tay “Hai làn sóng ngược”, cho đến nay gia tài của nhà văn, nhà biên kịch Học Phi có khoảng 30 kịch bản sân khấu, 10 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn.
Nhưng phải khẳng định kịch bản sân khấu mới là nơi Học Phi gửi gắm nhiều trăn trở nhất. Đã nhiều năm tháng trôi qua, nhưng những vở như “Chị Hòa”, “Xung đột”, “Một đảng viên”, “Mở đường”, “Người kỹ nữ ở Đông Quan”, “Cuộc đời về cuối”, “Ni cô Đàm Vân”... vẫn là những vở diễn độc đáo, mang nét riêng của ông.
Học Phi từng cho biết, trong số những sáng tác của mình, cụ ưng ý nhất vẫn là kịch bản “Ni cô Đàm Vân”, vì cốt truyện được lấy từ nguyên mẫu một nhà sư cởi áo cà sa lên đường đi đánh giặc. Đây cũng là vở kịch đang được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam dàn dựng lại để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nhà văn Chu Lai - người con thứ 9 của cụ Học Phi cho biết, cụ yếu đã mấy năm nay, nhưng mỗi lần đến thăm cha, ông đều kinh ngạc thấy cụ vẫn ngồi trên xe lăn và viết. Cụ vừa hoàn thành xong một cuốn tiểu thuyết và lao động không ngừng ấy như sợi dây nối cụ với cuộc đời, với sự sống.
2.Nhà văn, nhà biên kịch Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1915 tại Tiên Lữ (Hưng Yên) và là người tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1936, Học Phi bắt đầu viết văn sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp. Năm 1939, thời kì Mặt trận Bình dân chấm dứt, Học Phi bị an trí về Hưng Yên.
Thời gian này Học Phi tiếp tục viết và xuất bản được 3 cuốn tiểu thuyết “Đắm tàu”, “Dòng dõi”, “Yêu và thù”. Nhà văn này còn được giao nhiệm vụ cùng Vũ Quốc Uy xây dựng Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam. Sau Cách mạng tháng 8, Học Phi làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Hưng Yên, năm 1946 làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Năm 1947-1948, ông làm Tổng thư ký Văn hoá kháng chiến Liên khu III, sau chuyển lên Ban biên tập Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi phụ trách Đoàn Văn công Trung ương. Hòa bình lập lại, Học Phi về Hà Nội, giữ chức làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.
Cụ được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996. Cuộc đời trải gần trăm năm của nhà văn Học Phi có nhiều niềm vui, nỗi buồn: 3 lần bị bắt bớ tù đày và lần đầu tiên bị bắt, khi mới 15 tuổi.
Cụ có 2 người con trai là liệt sĩ, ngoài ra còn có hai người con bị giặc sát hại trong kháng chiến chống Pháp. Hai người con của cụ, nhà văn Chu Lai và nhà văn, nhà viết kịch Hồng Phi - vốn là hai cái tên không xa lạ với giới văn chương kịch nghệ. Thừa hưởng "gien di truyền" từ cha, họ đều là những nhà văn say mê sân khấu, và điều không thể phủ nhận là cha con họ đã có những đóng góp không nhỏ cho nền sân khấu nước nhà.
Nhiều nhà văn, nhà báo đến thăm và viết về Học Phi. Lúc nào cụ cũng thể hiện khí phách của một người hoạt động cách mạng, một ngòi bút dành cho Đảng. Cụ cũng không giấu giếm đã có rất nhiều mối tình éo le và ngang trái khi vừa mới bước vào đời hoạt động cách mạng cho đến khi đã có vợ con.
Trong đời lão nhà văn không thể nhớ nổi có bao nhiêu người phụ nữ mê và yêu ông, thần tượng và đi qua để lại bóng hình trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của ông. Những người phụ nữ, những đồng chí, những người tình, những mối tình sâu đậm là những khoảng sáng tối trong cái ký ức diệu vợi ấy.
Sở dĩ lão nhà văn có sức khỏe dẻo dai, theo những người con là do thói quen tập luyện và ăn uống điều độ từ hàng chục năm nay của ông. Sáng dậy sớm tập khí công, tập thở một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ, tắm nước nóng, ăn sáng rồi ngồi vào bàn viết. Mấy năm gần đây, sức khỏe của cụ bắt đầu giảm sút.
Ông bị liệt cả hai chân, không đi lại được, phải đi chuyển bằng xe lăn. Rồi còn chứng bệnh viên khớp vai, hàng tuần phải đi bệnh viện hút chất dịch ra mới bớt nhức nhối. Nhưng hễ bệnh tình thuyên giảm được đôi chút, ông lại nhúc nhắc ngồi vào bàn.
Con cháu có rầy la ông chỉ cười, không viết lách thì ông biết làm gì. Nữ nhà văn Như Bình viết về ông, có đoạn: “Sống và yêu như đời, đời như tiểu thuyết, đó là cái ký ức đầy ắp và kiêu hãnh của Học Phi. Giờ đây, thời gian sống chỉ là những khoảng đập yếu ớt và nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la này thì Học Phi vẫn chắt chiu từng khoảnh khắc nhỏ ấy. Từng giờ khắc, từng ngày, cụ dành dụm chắt chiu cho mình, để cần mẫn, kiên nhẫn neo chặt mình vào cuộc đời...”.
Và nói đến nhà văn Học Phi là nói đến một dòng dõi thấm đậm chất phù sa sông Hồng, đồng hành cùng dân tộc, gắn bó cùng các biến cố của Đảng Cộng sản Việt Nam, của đất nước, có đóng góp đặc sắc - bằng những tên tuổi và tác phẩm - vào dòng văn học vừa bi tráng, vừa tha thiết của sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Sơn Bình