Bà N.T.L là chủ cơ sở bán vật liệu xây dựng có thuê mướn N (17 tuổi) làm công, tiền lương theo hình thức ăn chia sản phẩm. Phương tiện chở hàng là của N bằng xe máy, kéo theo thùng tự chế ở phía sau.
Mới đây, trong một lần chở hàng cho khách, N va chạm với một chiếc xe ôm chạy ngược chiều làm người ngồi phía sau chết sau một tuần điều trị. N bị khởi tố về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình điều tra, gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường thiệt hại (BTTH) một số tiền khá lớn, nhưng cha mẹ của N cũng chỉ đáp ứng được một phần. Vậy phần còn lại, bà L và người có lỗi trong vụ này có phải liên đới BTTH cho nạn nhân trong phiên tòa sắp tới?
Ths Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang – nhận định: Về trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: (1) Phải có thiệt hại xảy ra; (2) Phải có hành vi trái pháp luật; (3) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại; (4) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại (Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC).
Trong vụ án trên, trách nhiệm BTTH đã phát sinh, nên trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau (Điều 587 Bộ luật Dân sự năm 2015). N là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ N phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Lỗi là một yếu tố quan trọng nhất trong BTTH ngoài hợp đồng, nhưng bên cạnh pháp luật còn quy định BTTH cả khi không có lỗi, đó là BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 601 BLDS). Phương tiện giao thông vận tải cơ giới thuộc nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 BLDS.
Cụ thể, theo Điểm 13 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Khoản 3 Điều 601 BLDS quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, Khoản 2 Điều 160 BLDS quy định: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ đặt ra khi có một phần lỗi (nhỏ) của người quản lý, điều khiển. Còn thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này. Ở trường hợp này, BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ sẽ không được đặt ra, bởi vì lỗi vô ý gây thiệt hại của N không phải là nhỏ. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được đặt ra, trong đó có bà L, mà lỗi chủ yếu là hợp đồng lao động khi N chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe, cho sử dụng xe không đảm bảo an toàn... nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của mình.
Còn người lái xe ôm chở nạn nhân, đây là hợp đồng vận chuyển hành khách nên liên đới cùng với N và bà L phải bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định người này không có lỗi thì không phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng (Điều 522, 523, 528 BLDS).