Hơn 300 người lao động tại Công ty TNHH Sao Đại Hùng (Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), cùng BCH Công đoàn cơ sở của Công ty này chính thức làm đơn Khởi kiện đến TAND tỉnh Khánh Hòa để đòi gần 4 tỷ đồng tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng vụ kiện đang bị “đùn đẩy” giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Do sắp phá sản, doanh nghiệp này đóng cửa từ tháng 5/2010, người lao động phải khốn đốn đi kiện đòi lương từ tháng 4/2011. |
Đùn đẩy đơn khởi kiện
Thay mặt người lao động, ngày 26/4/2011 Ban chấp hành (BCH) Công đoàn Công ty TNHH Sao Đại Hùng (SĐH), đã gửi đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Công ty SĐH phải trả các khoản nợ như lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, cùng với các khoản nợ phí Công đoàn của tổ chức Công đoàn cơ sở… với tổng số tiền hơn 4 tỷ VND. Sau khi nhận đơn khởi kiện, ngày 12/5/2011 TAND tỉnh Khánh Hòa có Thông báo chuyển đơn kiện này đến TAND huyện Cam Lâm để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Do xác định đây là tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với chủ sử dụng lao động, nên TAND huyện Cam Lâm đã trả lại đơn khởi kiện với lý do: “không có chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; không có đơn khởi kiện của từng cá nhân của người lao động…”.
Không đồng ý việc trả lại đơn của TAND huyện Cam Lâm, BCH Công đoàn cơ sở Công ty Sao Đại Hùng tiếp tục làm đơn khiếu nại. Đến ngày 16/5/2012, Chánh án TAND huyện Cam Lâm có Quyết định bác đơn khiếu nại của Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sao Đại Hùng. Do đó, đến nay đơn kiện của BCH Công đoàn cơ sở Công ty SĐH vẫn chưa được tòa án nào thụ lý, quyền lợi của tập thể người lao động tại đây đang bị xâm phạm những vẫn chưa được pháp luật bảo vệ.
Quan điểm khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền
Khác với quan điểm của Tòa án, Sở Lao động Thương binh - xã hội tỉnh Khánh Hòa và Ban quản lý Khu công nghiệp Suối Dầu lại xác định: TAND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện của tập thể người người lao động tại Công ty TNHH Sao Đại Hùng, đề nghị BCH Công đoàn cơ sở Công ty SĐH làm Văn bản đến Liên Đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Khánh Hòa để được hỗ trợ pháp lý trong quá trình khởi kiện.
Với những bất cập về việc áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ kiện, ngày 29-5-2012, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã có Văn bản báo cáo sự việc và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn, giải thích và có hướng chỉ đạo: Vụ kiện của BCH Công đoàn cơ sở Công ty SĐH là vụ kiện của tập thể do NLĐ đòi nợ lương (mà BCH công đoàn cơ sở Công ty SĐH là người đại diện theo pháp luật), hay là vụ kiện tranh chấp cá nhân đòi nợ lương như quan điểm của Tòa án... Nhưng đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có văn bản trả lời và hướng dẫn chỉ đạo, nên vụ việc vẫn chưa có lối thoát.
Cần xác định chủ thể của vụ kiện
Vụ kiện nói trên nên đã làm phát sinh nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết. Vậy ai là người có quyền đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, LS. Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng.
Thứ nhất: Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2009 và các quy định tại Chương XIV Bộ luật Lao động, Nghị định 133/2007/NĐ-CP ngày 08-8-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2006, thì Công đoàn cơ sở là người đại diện cho tập thể lao động, có quyền tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
Đại diện BCH Công đoàn cơ sở là thành viên của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở; đại diện BCH công đoàn cơ sở tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể với tư cách là nguyên đơn trong các giai đoạn tố tụng, thực hiện các thủ tục liên quan đến giải quyết tranh chấp .
Thứ hai: Khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra thì tập thể lao động cần phải có người đại diện. Đại diện đó có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức, nhưng phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật Lao động, Bộ luật tố tụng dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thứ ba: Trình tự thủ tục quy định tại Nghị định 133/2007/CP của Chính phủ, thì Công đoàn cơ sở là người đại diện cho NLĐ (do BCH Công đoàn cơ sở cử trong số uỷ viên BCH công đoàn hoặc đoàn viên công đoàn tại doanh nghiệp). Nhưng việc tranh chấp lao động tập thể được đưa ra tòa án có thẩm quyền giải quyết thì trình tự thủ tục phải tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, chứ không áp dụng Điều lệ Công đoàn hay Nghị định 133 để giải quyết.
Theo khoản 2 Điều 157, Điều 159 và Điều 170b Bộ Luật Lao động, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể, thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự. Như vậy, quyền khởi kiện vụ án được quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì các cá nhân, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyển, để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.
Thứ tư: Trong trường hợp này cần phải xác định rõ đây là tranh chấp lao động của cá nhân hay tranh chấp lao động tập thể, để từ đó xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết. Theo tôi, đây là một vụ kiện tranh chấp lao động tập thể. Nên năn cứ khoản 2 Điều 157, Điều 159 và Điều 170b BLLĐ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền do TAND cấp tỉnh giải quyết. Đồng thời, xác định đúng người khởi kiện, chủ thể của vụ kiện. Sau đó người lao động có Văn bản ủy quyền cho BCH Công đoàn Cơ sở tham gia tố tụng tại tòa án.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện, Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiến hành thu thập chứng cứ đang lưu trữ tại Công ty TNHH Sao Đại Hùng (theo Điều 94 BLTTDS), từ đó mới có đủ căn cứ pháp lý để giải quyết vụ kiện một cách khách quan và toàn diện, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Liệu có “hành chính hóa”
Theo khoản 2 Điều 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự: Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi là cấp huyện ) giải quyết, mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, hoặc quá thời hạn mà chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết.
Như vậy, để được Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp lao động động tập thể về quyền lợi bị xâm phạm và các vấn đề tranh chấp khác, vậy ai là người đủ tư cách đại diện cho tập thể người lao động, người khởi kiện còn phải thực hiện các bước “tiền tố tụng” như: Phải thực hiện đúng thủ tục giải quyết tranh chấp Lao động tập thể theo Nghị định 133 (phải qua thủ tục hòa giải, sau đó mới được yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp). Nếu chưa thực hiện các thủ tục “tiền tố tụng” thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện vì “chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Trong quá trình xây dựng luật, đã có ý kiến của các chuyên gia cho rằng: quy định cho phép chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể là không phù hợp với Luật Tổ chức HĐND và UBND, như vậy sẽ dẫn tới tình trạng “hành chính hoá” trong việc giải quyết các tranh chấp lao động tập thể. Đồng thời, gây khó khăn cho tập thể người lao động, bởi khi có phát sinh tranh chấp lao động tập thể thì phải thực hiện theo các thủ tục Tố tụng hành chính, Tố tụng dân sự và Tố tụng lao động, gây hết sức khó khăn cho người lao động. Đơn cử như vụ tranh chấp của tập thể người lao động tại Công ty THNHH Sao Đại Hùng tại tỉnh Khánh Hòa.
Hy vọng những vướng mắc về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể tai Công ty TNHH Sao Đại Hùng tỉnh Khánh Hòa, cũng như thẩm quyền giải quyết vụ kiện sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sớm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật.
Hoài Phong