Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai đã đạt 10,23%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. GRDP bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong 6 tỉnh Tây Bắc và đứng thứ 2/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 8.368 tỷ đồng, vượt gần 50% dự toán trung ương giao.
Nhân dịp đầu xuân, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai về những kết quả nổi bật của Lào Cai trong năm qua và mục tiêu phát triển trong năm tới.
Du lịch bứt phá thu hút 4,3 triệu lượt khách
Giá trị sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng trưởng cao, đạt 29.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng đạt trên 2.700 tỷ đồng. Công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao (16,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 20.270 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Nông - lâm - thủy sản 13,07%, công nghiệp - xây dựng 44,29%, dịch vụ 42,64%. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa được mở rộng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Dịch vụ, thương mại và du lịch có sự phát triển bứt phá, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 4,3 triệu lượt người, tổng doanh thu du lịch đạt 13.400 tỷ đồng.
Thưa ông, những năm qua Lào Cai được biết đến là địa phương luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Lĩnh vực thu hút đầu tư được Lào Cai thực hiện như thế nào để tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển của địa phương?
- Là một tỉnh miền núi Tây Bắc, chúng tôi hiểu rằng để phát triển bứt phá không chỉ cần phát huy nội lực mà còn cần thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài. Tỉnh Lào Cai không ngừng nỗ lực để “cải thiện chính mình”, tạo ra sức hút đối với các doanh nghiệp. Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, Lào Cai đã mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn sáng tạo, quyết liệt trong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với tinh thần ấy, Lào Cai là địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Năm 2018, Lào Cai đã sắp xếp giảm 1 đầu mối cấp tỉnh (hợp nhất Sở Giao thông - Vận tải với Sở Xây dựng), giảm 5 phòng chuyên môn thuộc sở, giải thể 51 đầu mối và hợp nhất 13 đầu mối ban chỉ đạo cấp tỉnh, sắp xếp giảm 49 đơn vị sự nghiệp. Thực hiện tinh giản 358 người; sáp nhập giảm 299 thôn, tổ dân phố. Lào Cai đã chỉ đạo cắt giảm 30% thời gian giải quyết 545 thủ tục hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đến nay, Lào Cai đã áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử tại 100% các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với Đề án triển khai đô thị thông minh và chính quyền điện tử. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã thu hút gần 800 dự án đầu tư trong nước, gần 30 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 131.800 tỷ đồng.
Mới đây, Lào Cai đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai từ gần 8.000 ha lên trên 15.929 ha, tạo cơ hội cho Lào Cai thu hút thêm nhiều dự án mới trong thời gian tới. Hiện tỉnh Lào Cai đang tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Thị xã Sa Pa và Đề án Xây dựng Thành phố Lào Cai đạt đô thị loại I, trình Chính phủ, Trung ương phê duyệt.
Đối với sự phát triển của các ngành kinh tế, ngành nông nghiệp có thuận lợi khi dư địa để phát triển còn lớn, nhiều nông sản đặc hữu của Lào Cai đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Ngành công nghiệp, bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động ổn định, một số dự án lớn đầu tư thời gian trước sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.
Ngành dịch vụ, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế sẽ chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế vị trí “cầu nối” của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Phấn đấu tăng tưởng kinh tế trên 10%
Để đạt được mục tiêu về đích sớm, xin ông cho biết những giải pháp mà Lào Cai sẽ triển khai để thực hiện mục tiêu này như thế nào?
- Để đạt mục tiêu về đích sớm, mục tiêu chúng tôi đặt ra cho năm 2019 cũng rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu trong năm 2019 đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 10%, GRDP bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng.Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 38.000 tỷ đồng. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn 4.000 triệu USD…
Quán triệt tinh thần đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và khả năng hội nhập của nền kinh tế địa phương, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; tạo đột phá trong huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đi vào thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động sinh kế và thoát nghèo bền vững…
Với quyết tâm cao và sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị địa phương, sự ủng hộ và đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Lào Cai kỳ vọng phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV.
Xin cảm ơn ông!
Trong chiến lược phát triển của Lào Cai, Sa Pa đóng vai trò quan trọng với vị trí là địa danh du lịch nổi tiếng, nhiều tiềm năng. Bí thư Huyện ủy Sa Pa Nguyễn Trọng Hài cho biết: Phát triển du lịch được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Hiện nay, huyện Sa Pa có 4 tuyến du lịch cộng đồng và 13 điểm du lịch được UBND tỉnh Lào Cai công nhận, một điểm du lịch địa phương và thắng cảnh ruộng bậc thang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia.
Đối với mỗi điểm du lịch cộng đồng, huyện Sa Pa luôn rà soát, xây dựng các sản phẩm đặc trưng gắn với tên gọi của mỗi vùng miền. Ưu tiên tập trung đầu tư các điểm du lịch gắn với đặc trưng văn hoá của 5 dân tộc thiểu số để tạo sự khác biệt. Đồng thời duy trì các lễ hội theo mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống để bảo tồn và thu hút du khách.
Để đưa Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo bộ máy, đảng bộ, chính quyền huyện Sa Pa đã quan tâm đầu tư và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết công việc; sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử, xây dựng hệ thống một cửa liên thông điện tử tại UBND huyện. Hiện nay, 18 xã, Thị trấn đều có hệ thống họp giao ban trực tuyến liên thông với huyện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư các ứng dụng công nghệ trong xử lý, giải quyết, điều hành triển khai nhiệm vụ tới các cấp.