Thiếu mặt bằng “sạch”, con đường 5 năm chưa hoàn thành
Dự án đường giao thông liên xã Bản Mỏ - Lâm Tiến (qua xã Bản Qua và xã Mường Vi, huyện Bát Xát) thực hiện theo phương án nhà nước và nhân dân cùng làm, tức là người dân hiến đất, nhà nước đầu tư. Mục tiêu là đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, đảo bảo nhu cầu giao thông trong khu vực, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Dự án với tổng chiều dài 6,8km, được thiết kế theo quy mô đường cấp B giao thông nông thôn; mặt đường được láng nhựa, trong đó có 600m là đường bê tông do nhân dân làm theo cơ chế nông thôn mới. Tổng kinh phí cho dự án là 23 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, vốn JICA, vay tín dụng ưu đãi và một số nguồn khác.
Một đoạn đường vẫn ngổn ngang chưa thành hình |
Công ty Cổ phần Tây Bắc (Lào Cai) là nhà thầu thi công công trình từ năm 2016, kế hoạch sau 2 năm sẽ hoàn thành, nhưng đến nay, 5 năm trôi qua, kết quả vẫn chỉ là một con đường thi công dang dở. Nguyên nhân chính đến từ việc còn hơn 20 hộ dân chưa đồng thuận hiến đất để thi công, nên việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình này chưa xác định được thời gian hoàn thành chính xác.
Chính vì việc này, chủ đầu tư là UBND huyện Bát Xát đã “năm lần bảy lượt” có văn bản trình UBND tỉnh, cho phép dừng, vừa tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, khi nào có mặt bằng sạch thì mới tiếp tục thi công trở lại.
“Điệp khúc” gia hạn
Cụ thể, ngày 11/04/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 1492/UBND-QLĐT cho phép tạm dừng thi công công trình, yêu cầu UBND huyện Bát Xát thực hiện hoàn thiện GPMB trước ngày 30/06/2019.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo nêu trên UBND Bát Xát không thực hiện được. Vì thế, UBND tỉnh Lào Cai phải có văn bản (số 5888/UBND-QLĐT) đồng ý việc gia hạn hợp đồng với nhà thầu tới ngày 15/12/2020, để thực hiện gói thầu. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện GPMB bàn giao cho nhà thầu vào 12/2019, còn nhà thầu tập trung máy móc thiết bị hoàn thành gói thầu theo đúng như gia hạn.
Tuyến đường còn nhiều đoạn bị sạt lở |
Tuy nhiên, “điệp khúc” không thể hoàn thành theo kế hoạch vẫn diễn ra, nguyên nhân vẫn do vướng trong công tác GPMB. Vì vậy, xét theo đề nghị của chủ đầu tư, ngày 09/02/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản (số 532-UBND-QLĐT) để điều chỉnh quy mô dự án giảm, cụ thể, không thực hiện đầu tư xây dựng 3km tuyến qua thôn Nà Nám, xã Bản Vược, nối ra tỉnh lộ 156B (tức là chỉ còn thực hiện thi công 3,8km – PV). Đồng thời, tiếp tục lần nữa gia hạn hợp đồng với nhà thầu đến ngày 30/06/2021, để hoàn thành các hạng mục theo quy mô điều chỉnh.
Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa thể hoàn thành theo dự kiến dù mặt bằng đã “sạch”. Vì vậy, chủ đầu tư tiếp tục xin ý kiến của UBND tỉnh đề nghị được gia hạn hợp đồng tới ngày 30/11/2021.
Sẽ thực hiện hình thức đầu tư khác
Ghi nhận tại thực tế tại tuyến đường thì thấy công trình này còn rất bề bộn, mặt đường đất ghồ ghề, nhiều đoạn bị trượt sạt, hệ thống cống rãnh hai bên đường thì chỗ có, chỗ không. Theo ông Lưu Chung Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Bát Xát cho biết, hiện nay, tuyến đường đang được hoàn thiện phần nền đường, ước đạt khoảng 30 - 40% tiến độ, đã giải ngân khoảng 30% nguồn vốn (của 3,8km, khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Người dân và chính quyền đều mong ngóng ngày còn đường được sớm hoàn thành |
Trước vấn đề dư luận đặt câu hỏi về vai trò của chủ đầu tư trong suốt cả quá trình thực hiện dự án? Ông Thành cho biết, xuất phát từ chủ trương của dự án, khi thực hiện, ban đầu người dân rất đồng thuận hiến đất làm đường, nhưng khi triển khai lại phát sinh đặt vấn đề đền bù. Chính vì vậy, dự án đã phải rất nhiều lần xin gia hạn, tạm dừng thi công cho tới khi người dân đồng thuận mới tiếp tục thực hiện tiếp.
Nhiều lần, ông Thành đã phải trực tiếp vào từng nhà hộ dân để vận động. Thậm chí, huyện từng cân nhắc có nên bố trí kinh phí đền bù hay không…? Nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất nên dự án vẫn chậm tiến độ. Vì vậy, chủ trương là giảm quy mô, phần 3km còn lại của dự án tạm dừng có thể sẽ bố trí hình thức đầu tư khác ở giai đoạn thích hợp.
Xây dựng đường giao thông nông thôn hết sức là cần thiết, đặc biệt với nhiều địa phương của huyện vùng cao Bát Xát, tuy nhiên, từ một chủ trương tốt chỉ vì việc không được sự “đồng lòng” giữa nhân dân, khiến dự án được kỳ vọng sẽ làm thay da, đổi thịt một vùng thì lại trở thành một “nốt trầm”, trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Đây có thể coi và ví dụ điển hình, rút ra từ thực tiễn trong quá trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai sâu rộng trên khắp các địa phương trong cả nước, làm sao để mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước được thiết thực đi vào cuộc sống.