Lào Cai là tỉnh miền núi có đường biên giới dài trên 182 km với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), diện tích tự nhiên 6.384 km2, dân số hơn 730 nghìn người. Tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã, 152 xã, phường, thị trấn. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,3%, tương đương 53.605 hộ, cao thứ 6 cả nước (tính theo bảng xếp hạng nghèo của cả nước). Chính vì vậy, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những cương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016) với các nội dung chủ yếu: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát đánh giá thực hiện chương trình.
Phát triển vùng trồng chè nguyên liệu là mô hình sản xuất hiệu quả gắn với công tác giảm nghèo ở Lào Cai, ảnh: Anh Quang |
Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án 09-ĐA/TU về “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp người nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững.
Kèm theo Đề án 09 gồm 2 dự án thành phần với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, gồm: Dự án đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2016-2020 và Dự án giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Để triển khai có hiệu quả Đề án 09-ĐA/TU về Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; hàng năm UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và giao chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các địa phương. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan trong quá trình thực hiện.
Nông dân Lào Cai được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giảm nghèo (Ảnh: Q.A) |
Sau 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, đến nay bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo đạt 5,17%/năm, riêng năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%, đạt 100% mục tiêu kế hoạch.
Hiện tỉnh Lào Cai còn 14.600 hộ nghèo, chiểm tỷ lệ 8,46% tông số hộ của toàn tỉnh. Hộ cận nghèo còn khoảng 16.000 hộ, chiếm 8%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết 30A/2008/NĐ-CP, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,43%, vượt xa mục tiêu Quyết định số 1772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 4%/năm và so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV đề ra là phấn đấu trung bình mỗi năm giảm từ 3 - 4%.
Một số địa phương có tỉ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015 – 2019 như huyện Si Ma Cai giảm 40,66%, huyện Mường Khương giảm 39,96%.
Công tác giảm nghèo tại đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc; cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao, vùng biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển. Giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi người dân, đến nay 100% số xã đã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo trong vận dụng các giải pháp vào nhiệm vụ giảm nghèo của các cấp, ngành, các địa phương thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo ở Lào Cai gặp những khó khăn nhất định. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập và đời sống của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế chưa bền vững với nhiều rủi ro khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về giảm nghèo bền vững ở một số xã còn hạn chế, một số mục tiêu đề ra nhưng nguồn lực chưa đảm bảo.
Mặt khác, kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo tại tỉnh chưa thật sự đồng đều, còn sự chênh lệch lớn. Một bộ phận người nghèo, hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Tất cả trở thành những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững ở Lào Cai hiện nay.
Để góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả như: lồng ghép các nguồn vốn, bố trí nguồn ngân sách địa phương, sự tham gia đóng góp của nhân dân,..tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các chương tình.
Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo tại cơ sở, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những điểm mạnh, lợi thế của địa phương. Phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.