Nghệ thuật lãnh đạo và các bài học về đối nhân xử thế đã được đúc kết từ hàng ngàn năm và những giá trị của các bài học đó vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên có sự thay đổi lớn trong việc phân phối thời gian giữa các chức năng mà một người lãnh đạo phải thực hiện.
Một công ty có thể thành công hay không, ngoài sự cần cù của nhân viên còn phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật lãnh đạo của người đứng đầu công ty đó.
Nghệ thuật lãnh đạo xưa và nay có thể không có gì thay đổi về quan điểm, nhưng phải nhìn nhận một thực tế, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Vậy nhà lãnh đạo nên chăng cần có tầm nhìn mới?
Nghệ thuật lãnh đạo và cách đối nhân xử thế:
Phải thành thật nhận ra rằng, đội ngũ lãnh đạo ngày nay đã có nhiều “động thái” mới, có thể họ đã thay đổi phong cách lãnh đạo của mình, bởi theo nhận định của chuyên gia kinh tế, kiêm Giám đốc American Express thì, môi trường kinh doanh đã thay đổi, nguồn lực có hạn dẫn tới cạnh tranh ngày một tăng.
Ngoài ra, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, toàn cầu hóa và hội nhập diễn với tốc độ nhanh chóng. Vai trò, nhu cầu của con người thay đổi cũng như đòi hỏi trình độ quản lý nâng cao.
Khi đưa ra vấn đề này với bà Trần Phương Lan, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp, bà nhận định: “Không có gì thay đổi lớn trong quan điểm lãnh đạo ngày nay với trước đây, vì nghệ thuật lãnh đạo và các bài học về đối nhân xử thế đã được đúc kết từ hàng ngàn năm và những giá trị của các bài học đó vẫn còn nguyên vẹn. Những chức năng mà một nhà lãnh đạo phải thực hiện không thay đổi, tuy nhiên có sự thay đổi lớn trong việc phân phối thời gian giữa các chức năng mà một người lãnh đạo phải thực hiện. Lãnh đạo ngày nay là người đưa ra các định hướng, các mục tiêu chiến lược cũng như tập hợp lực lượng đi theo định hướng đó, và giảm bớt thời gian cho việc triển khai, giám sát các hoạt động cụ thể. Sở dĩ các lãnh đạo có thể dành ít thời gian hơn cho 2 nhiệm vụ này vì họ có thể phân quyền, ủy quyền cho cộng sự của mình thực hiện và dành nhiều thời gian hơn cho việc định hướng và tập hợp lực lượng”.
Theo ông Peter, F. Drucker, tác giả cuốn “Cách thức quản lý và lãnh đạo” thì, lãnh đạo thời hiện đại không chỉ đơn thuần là khả năng lôi cuốn người khác mà đó còn là khả năng gây cảm tình, thuyết phục họ.
Nhà lãnh đạo phải biết cách nâng tầm nhìn của con người lên một mức cao hơn, đưa việc thực hiện đạt tới một tiêu chuẩn cao hơn và phát triển tính cách con người vượt qua những giới hạn thông thường.
Bà Lê Thị Bích Loan, Giám đốc Công ty EVD Dược phẩm và Y tế cũng có sự so sánh khá rõ ràng: “Lãnh đạo xưa và nay đều hướng tới việc sử dụng các quyền năng có thể có để gây ảnh hưởng tới hành vi của cấp dưới để đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo ngày nay, ngoài mục tiêu công việc, còn có một mục tiêu quan trọng khác trong quá trình thực hiện lãnh đạo, đó là sự hài lòng của cấp dưới quyền lãnh đạo đó. Tiêu chí này tốt cho với tính bền vững của tổ chức và gắn liền với chất lượng công việc đạt được."
Bên cạnh đó, lãnh đạo luôn gắn liền với giá trị, văn hóa và hành vi của doanh nghiệp. Thông qua người lãnh đạo, nhân viên, khách hàng, cộng đồng có thể biết được những giá trị mà doanh nghiệp coi trọng.
Bà Loan cũng hoàn toàn đồng ý rằng, lãnh đạo đóng vai trò quyết định đến việc thu phục hay tuyển dụng nhân viên và thu hút khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi sự cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường nhân lực. Một người lãnh đạo giỏi, cần phải biết thu hút và tuyển dụng được những nhân viên giỏi. Chính vì thế mà việc lãnh đạo của bà luôn thực hiện dựa trên 4 tiêu chí: Đúng người, đúng việc, khen thưởng kịp thời, liên tục đào tạo và trao quyền, nhằm phát huy tối đa khả năng của nhân viên và tạo cho họ sự thoải mái trong công việc để hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.
Chân dung nhà lãnh đạo hiện đại
Người lãnh đạo hiện đại cần có tầm nhìn và khả năng tập hợp lực lượng tốt. Để làm được điều này cái tâm đối với tổ chức, đối với nhân viên và sự độ lượng là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó là khả năng giao việc - chọn đúng người, đúng việc cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng nữa của nhà lãnh đạo. “Hãy mỉm cười và cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn”, đó là lời khuyên của ông Peter, F. Drucker bởi ông cho rằng, khi nhà lãnh đạo lạc quan vui vẻ khiến những người xung quanh thêm lạc quan về mục tiêu, cũng như kích thích tính sáng tạo, tăng hiệu quả ra quyết định của họ, đồng thời tăng nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ giữa các bên với nhau.
Theo quan điểm của bà Loan, nhà lãnh đạo hiện nay cần hội tụ rất nhiều kỹ năng, có thể tổng hợp thành các nhóm chính: Hiểu biết quá khứ, bao gồm các kỹ năng tìm kiếm, thu thập và sàng lọc thông tin, chế ngự hoàn cảnh; tiên đoán tương lai, bao gồm các kỹ năng sáng tạo, xác định mục tiêu và viễn cảnh, và các kỹ năng gây ảnh hưởng tới hành vi người khác, bao gồm các kỹ năng quản lý, động viên, gây dựng lòng tin…
Đối với ông Ngô Sỹ Quang, Tổng Giám đốc Công ty Sơn KOVA thì lại muốn nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo. Bởi ông cho rằng, lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng và tạo ra môi trường làm việc thuận lợi để đạt được mục tiêu của tổ chức. Nhà lãnh đạo cần biết phát triển tầm nhìn và chia sẻ tầm nhìn. Nhận thức được những thách thức và ảnh hưởng của chúng, và đưa ra được quyết định ứng phó. Ngoài ra còn phải biết chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động và kết quả của tổ chức, biết cách lãnh đạo và động viên để xây dựng văn hóa tổ chức phù hợp. Khi cần, biết giao quyền cho cấp dưới. Đặc biệt, phải sống và làm việc sao cho có ảnh hưởng mạnh đến cấp dưới.
Các yếu tố thành công của một nhà lãnh đạo:
Am hiểu tâm lý và giao tiếp tốt
Tập hợp đuợc nhân viên
Biết cách thưởng/phạt: Thưởng đúng người,
đúng việc, đúng mức, đúng lúc
Sử dụng quyền lực một cách thông minh
Ra quyết định chính xác
Phát triển đội ngũ nhân viên có năng lực, nhiệt tình
Ngọc Anh
(Bài đã đăng trên Doanh nhân & Pháp luật số 54 ra ngày 5.8.2010)