Nông hộ “trúng đậm”
Về Hưng Yên những ngày này, đi dọc các con đường đều thấy cảnh nhãn sai trĩu cành, có những cành trong những vườn quả nhúc nhíu tới 2kg. “Năm nay, nhà tôi có 2 mẫu nhãn cho thu hoạch, với sản lượng đạt 20 tấn, thu về khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi hơn 300 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Tú (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) phấn khởi nói với PLVN.
Đưa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi thăm những vườn nhãn vàng rộ, ông Nguyễn Hữu Phú - Bí thư Đảng ủy xã Hàm Tử, giới thiệu say sưa về giống nhãn Miền Thiết trên đồng đất quê mình. “Báo cáo Bộ trưởng, 90% giống nhãn trên địa bàn xã tôi là giống này, và một số ít là giống nhãn siêu ngọt , với giá bình quân từ 25.000-35.000 đồng/kg. Cả xã có 320ha trồng nhãn. Dự kiến, vụ này cho sản lượng trên 5.000 tấn, trong khi năm trước chỉ đạt 3.700 tấn”, lời ông Bí thư.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nét đặc trưng nổi bật của vườn nhãn Hàm Thiết là chất lượng quả rất ngon mà thời gian cho thu hoạch thì lại kéo dài. Cụ thể, nhãn bắt đầu cho thu hoạch rộ từ khoảng 10 - 15/8, nhưng thời gian thu hoạch rải vụ có thể dài. “Khi nhãn các vùng khác thu hoạch hết, về Hàm Tử vẫn còn quả để bán”, ông Phú tự hào.
Nói chuyện với Bộ trưởng Cường, bà Trần Thị Bắc - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nễ Châu (TP. Hưng Yên) cho biết, toàn HTX này, có 20 hộ với 40ha nhãn, trong đó có 25ha nhãn đã trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. “Từ khi áp dụng tiêu chuẩn này, đời sống bà con khá hẳn lên. Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đến đây bàn chuyện mua nhãn nhưng hợp tác xã chúng tôi không đủ hàng để mà cung ứng”, lời bà Bắc.
Sau khi mục sở thị tại vựa nhãn lớn nhất miền Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, điểm mới nổi bật mà Hưng Yên đã làm được trong vụ nhãn năm nay là đã sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân và hợp tác xã nên đã áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học, kiểm soát được các khâu từ chăm sóc, ra hoa, đậu quả cho đến khi thu hoạch. “Rõ ràng, việc gắn kết giữa nông dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà phân phối và đặc biệt là với các cấp chính quyền địa phương ở đây là rất chặt chẽ”, Bộ trưởng nhận xét.
Chủ tịch tỉnh đi… bán nhãn
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp hồi đầu tháng 8, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, năm nay, tỉnh này được mùa nhãn, sản lượng thu hoạch dự kiến toàn tỉnh đạt 42.000 tấn, cao hơn năm 2017 trên 10.000 tấn.
Theo tính toán của tỉnh Hưng Yên, khoảng 10 ngày tới, sẽ bước vào vụ thu hoạch nhãn chính vụ, nhưng đến thời điểm này, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đến đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm như hệ thống các đại siêu thị Big C, Sài Gòn Co.op mart, Hapro, An Việt, VinEco, Doverco... với cam kết tiêu thụ 32.000 tấn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Doanh - Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho hay: “Hiện, tỉnh đã thành lập được 10 hợp tác xã trồng nhãn. Năm 2017, toàn tỉnh thu được 30.000 tấn, với giá bán bình quân đạt 30.000 -35.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng nghìn tỷ đồng cho bà con nông dân. Năm nay, dự báo sẽ được mùa lớn, và tỉnh đã chủ động trong khâu tiêu thụ, nên giá đầu ra sản phẩm được duy trì ở mức bằng hoặc thấp hơn một chút so với năm ngoái”.
Rút kinh nghiệm trong việc điều tiết tiêu thụ vụ vải thiều thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT sẵn sàng chung sức, hỗ trợ Hưng Yên đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, ông lưu ý tỉnh này cần chuẩn bị các “kịch bản” cho việc tiêu thụ nhãn, trong đó đặc biệt là khâu phân phối, lưu thông, vận chuyển hàng hóa....
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên phát động ngay phong trào tổng vệ sinh môi trường trên toàn tỉnh, đồng thời tuyên truyền người dân vệ sinh sạch sẽ vườn cây, nhà cửa… để du khách đến thăm quan vùng nhãn những ngày tới phải có cảm giác sạch nhất, đẹp nhất, ngăn nắp nhất từ đầu làng đến cuối xóm. Ngoài ra, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo địa phương, năm nay thời tiết mưa nhiều nên rất thuận lợi cho cây nhãn phát triển nên từ thời điểm này đến khi thu hoạch rộ, bà con nông dân không nên bón bất cứ loại phân nào nữa để tránh nứt vỏ gây xấu “mã” giảm giá trị sản phẩm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng khẳng định, trong giai đoạn cao điểm hiện nay, tỉnh yêu cầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở, Chủ tịch các huyện… mỗi ngày dành 1 - 2 tiếng đồng hồ để đi… “bán” nhãn cho nông dân.
“Ngay chính tôi cũng sẽ trực tiếp đi bán nhãn cho bà con nông dân. UBND tỉnh sẽ họp để phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên trong việc đảm bảo tiêu thụ nhãn trong năm nay…”, Chủ tịch Phóng khẳng định.
Không đủ hàng để bán
“Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nễ Châu (TP. Hưng Yên) cho hay, toàn hợp tác xã này có 20 hộ với 40ha nhãn, trong đó có 25ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. “Từ khi áp dụng tiêu chuẩn này, đời sống người dân khá hẳn lên. Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đến đây bàn chuyện mua nhãn nhưng hợp tác xã không đủ hàng để cung ứng”, lời bà Bắc.