Nếu “nói một đằng, làm một nẻo”, có nghĩa là hạ thấp uy tín, coi thường nhân cách của chính mình và hệ quả tất yếu là có nói, dù hay đến đâu, dân tình cũng không nghe nữa.
Mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đến thăm một huyện và phát động mọi cán bộ, đảng viên thực hiện phong trào “vì người nghèo” một cách thiết thực để giảm nghèo hiệu quả. Rất đơn giản là mỗi cán bộ, đảng viên giúp cho một gia đình thoát nghèo. Bản thân ông nhận “đỡ đầu” 4 hộ nghèo và yêu cầu lãnh đạo địa phương cũng làm như vậy. Doanh nghiệp thì có thể nhận giúp một xã thoát nghèo.
Phương pháp hiệu quả và hiệu nghiệm này, trước đây, vào những năm 2000 đã được thực hiện ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), ông Bí thư huyện ủy đã nhận giúp một gia đình nghèo nhất trong huyện và hộ này đã thoát nghèo. Mỗi cán bộ, đảng viên trong huyện cũng theo gương đó, trực tiếp giúp cho 1 hộ nghèo bằng tinh thần, vật chất, hướng dẫn cho họ cách thoát nghèo. Phương pháp này có nhiều ưu điểm là làm cho cán bộ và dân gắn bó, rõ ràng là việc “xóa đói, giảm nghèo” không phải chỉ là khẩu hiệu, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Nạn quà cáp biếu xén cấp trên đã thành thông lệ, gỡ đủ mọi cách mà vẫn thế. Bây giờ thì Thủ tướng Chính phủ làm gương, không những ông nhắc đi, nhắc lại rằng địa phương không “đi Tết” Trung ương nữa, ông khẳng định “Thủ tướng không tiếp khách ở nhà riêng”, nhắc nhở nội các của mình “tôi làm được thì các ông cũng làm được”. Nêu gương như vậy, Tết này hẳn nạn dùng tiền công biếu xén cấp trên nhân dịp Tết sẽ giảm thiểu đáng kể.
Ngược lại, không gương mẫu sẽ gặp phải phản ứng của dư luận. Mới đây, một nữ đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành đoàn bị phát hiện nhờ cấp dưới đi học lớp chuyên viên hộ. Ngay lập tức, mạng xã hội tràn ngập những lời chê bai, cho dù đó không phải là tham nhũng nhưng đó là sự lừa dối, tuy không lớn nhưng gây bất bình bởi chính cương vị mà nữ đại biểu này đang đảm nhận.
Có thể có nạn gian lận học đường nhưng một người có chức vụ, tên tuổi mà lại thực hiện hành vi quay cóp trong thi cử thì vết nhơ ấy khó mà gột rửa được dù sau này ông ta sửa lỗi, giữ những cương vị cao hơn thì cũng không có người thực tâm nể phục.
Làm gương, đó là cách tốt nhất để cán bộ gần dân và nhận lại sự kính trọng của nhân dân. Mẫu mực, nói sao làm vậy là phẩm chất của cán bộ liêm chính, vì dân. Nếu nhiều người làm được như vậy thì chính quyền trở nên vững mạnh và được lòng dân, mọi việc sẽ suôn sẻ, xã hội đồng thuận.