Chế độ Khmer Đỏ cai trị Campuchia từ 1975-1979. Cựu lãnh đạo của Khmer Đỏ Khieu Samphan bị kết án vào năm 2018 ở Campuchia vì tội diệt chủng.
Người phát ngôn của tòa án Khmer Đỏ ở Campuchia (ECCC) Neth Pheaktra nói với hãng tin AFP rằng phiên xử sẽ kéo dài trong bốn ngày cho đến ngày 19/8. Ông Pheaktra nói: “Phiên xử phúc thẩm diễn ra yên tĩnh quan trọng đối với cả hai bên, các nạn nhân Campuchia và bị cáo". Dự kiến ông Samphan sẽ có mặt cả 4 ngày và sẽ có phát biểu tự bào chữa.
Tại phiên tòa ngày 16/8, ông Kong Sam Onn - Luật sư của ông Samphan nói rằng, thân chủ của ông đã không có đủ thời gian để chuẩn bị bào chữa trong phiên sơ thẩm và ban hội thẩm phiên tòa sơ thẩm đã không đưa ra được cơ sở cho phán quyết một cách kịp thời. Do đó, “Nó (bản án) sẽ vô hiệu. Vì vậy tôi đang yêu cầu Tòa án Tối cao đảo ngược phán quyết" - Luật sư của ông Samphan nói.
Tuy nhiên, các công tố viên đã bác bỏ và khẳng định rằng ông Samphan "đã không có đủ cơ sở cho toàn bộ kháng cáo rằng, ông ta không biết gì, không thấy gì và không nghe thấy gì về những tội ác mà ông ta bị kết án."
Phán quyết trong phiên phúc thẩm này sẽ không được đưa ra cho đến năm sau.
Khieu Samphan tại phiên tòa phúc thẩm năm 2018. |
Samphan là cựu lãnh đạo của chế độ Pol Pot, đã điều hành chính quyền diệt chủng tại Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.
Trong thời gian này, hàng triệu người Campuchia đã bị đưa đến các trại lao động để theo đuổi mục đích của chế độ là thiết lập một xã hội không giai cấp. Trong quá trình này, ước tính có khoảng 1,7 triệu người đã thiệt mạng.
Cựu lãnh đạo Pol Pot Ieng Sary đã chết năm 1998, tránh được việc bị truy tố vì cái chết của gần 2 triệu người Campuchia dưới thời Khmer Đỏ. Tuy nhiên, năm 2009, Liên hợp quốc đã thành lập một tòa án để bắt đầu xét xử các lãnh đạo còn lại của chế độ này.
Khieu Samphan bị kết án vào năm 2018 vì tội diệt chủng, cùng với Nuon Chea, được gọi là "Anh số 2" cho Pol Pot. Nuon Chea đã qua đời vào năm 2019.
Samphan và Chea trước đó đã bị kết án chung thân vì tội ác chống lại loài người vào năm 2014 bởi một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Mặc dù năm 2016 Samphan đã kháng cáo nhưng Tòa án vẫn giữ nguyên phán quyết.
Phán quyết đưa ra năm 2018 dành cho Samphan vì đã thực hiện và chỉ đạo thực hiện rất nhiều vụ lạm dụng, từ giết người và trục xuất người dân đến cưỡng bức hôn nhân và hiếp dâm.