Tăng cường đối thoại, củng cố niềm tin
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô ngày 27/9 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Thành ủy TP luôn xác định tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của địa phương, ủng hộ và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Tại hội nghị, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo TP Hà Nội đã lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân Hà Nội quan tâm, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, góp phần tạo môi trường ngày càng thuận lợi để nông dân Thủ đô và tổ chức Hội Nông dân phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, vững tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng chung tay, góp sức “Làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” như lời dạy của Bác Hồ.
Ở cấp quận, huyện, ngày 25/10 vừa qua, Quận ủy, HĐND, UBND quận Đống Đa đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận năm 2022.
Tại hội nghị đối thoại, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến các vấn đề dân sinh như công tác bảo đảm trật tự văn minh đô thị; phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; công tác đầu tư một số tự án và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Một số ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của quận, TP tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh có điều kiện không bảo đảm các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy; kiến nghị quận có biện pháp xử ký hiệu quả các vi phạm trong trật tự xây dựng, nhất là xây dựng không phép, sai phép.
Ngay tại hội nghị, lãnh đạo quận Đống Đa cho biết sẽ yêu cầu các bộ phận chức năng kiểm tra, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản các kiến nghị trong thời gian sớm nhất. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.
Trước đó vài ngày, ngày 21/10, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàng Mai cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn năm 2022.
Chủ trì hội nghị, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cũng đã trực tiếp trả lời nhiều kiến nghị của người dân về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc cải tạo nâng cấp các nhà hội họp khu dân cư; công tác đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn và việc đầu tư các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, đầu tư xây dựng trường học; công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới….
Ở cấp xã, cuối tháng 9 vừa qua, các xã trên địa bàn huyện Thường Tín, TP Hà Nội cũng đã tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trên địa bàn nhằm tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tại các hội nghị này, nhiều vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của người dân như vệ sinh môi trường, hệ thống đèn đường bảo vệ tổ dân phố, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội… đã được các đại biểu đề cập.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại một hội nghị đối thoại. Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội. |
Ngay tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đã trả lời, giải trình kiến nghị rõ ràng, cụ thể ý kiến của các đại biểu, đảm bảo đúng trọng tâm, đi thẳng vào nội dung câu hỏi. Những ý kiến vượt quá thẩm quyền ở địa phương cũng được lãnh đạo các địa phương tiếp thu để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai các nhiệm vụ
Ngày 25/5/2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về "Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.
Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 của Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội cũng đặt ra nhiệm vụ định kỳ tổ chức các hình thức thông tin, báo cáo, giao ban theo chuyên đề, tổ chức tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để kịp thười thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của người dân địa phương. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, qua đó điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, ở cấp TP, TP Hà Nội đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Hầu hết các ý kiến góp ý, kiến nghị đều được lãnh đạo TP tiếp thu, giải quyết.
Cấp quận, huyện, thị xã đã định kỳ tổ chức được 208 hội nghị, thu hút 46.474 lượt người tham gia với 8.567 lượt ý kiến, kiến nghị; 98,4% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định.
Cấp xã tổ chức được 2.955 hội nghị, thu hút 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 97% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời…
Bên cạnh đó, các cấp TP Hà Nội còn tổ chức hàng nghìn cuộc đối thoại đột xuất với hàng chục nghìn ý kiến đã được tiếp thu, trả lời. Các ý kiến vượt thẩm quyền đã được tiếp thu và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Việc thực hiện hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân giúp đã góp phần giảm số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP. Năm 2017, TP đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, TP chỉ còn tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh.
Các ý kiến đều cho rằng, việc làm tốt công tác tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân đã giúp phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa dân với đảng, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.