Lừa hàng chục hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo
Ngày 25/11, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phúc (SN 1997, ngụ thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Phúc chính là thủ phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng mà các tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho vợ anh Phạm Văn Lộc (công nhân tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế) là chị Lê Thị Thu Thảo (ngụ thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Không chỉ lừa 100 triệu đồng của chị Thảo mà Phúc còn lừa hàng chục người khác.
Theo cáo trạng, Phúc từng bị phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” vào năm 2014. Ra tù, bị cáo không tu chí làm ăn mà lại tiếp tục lừa đảo.
Đầu năm 2020, qua mạng xã hội và báo chí, Phúc nhận thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền nên nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của họ. Để thực hiện hành vi phạm tội, Phúc đã mua 2 tài khoản ngân hàng của người lạ không rõ thân nhân lai lịch và sim rác để thực hiện hành vi phạm tội.
Sau khi xác định được nạn nhân, Phúc sử dụng sim rác, liên hệ giới thiệu là nhà hảo tâm muốn ủng hộ tiền. Tiếp đó, đối tượng gửi tin nhắn địa chỉ đường link dẫn đến trang web để nạn nhân cung cấp thông tin ngân hàng.
Nạn nhân khi nhập vào trang web, những thông tin sẽ được gửi về email của Phúc. Phúc sử dụng những thông tin này để truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân, rồi chuyển tiền sang tài khoản được chuẩn bị trước đó.
Đại diện Công an tỉnh Đắk Nông trao trả 100 triệu đồng cho chị Thảo. |
Quá trình điều tra, Phúc thừa nhận chiếm đoạt tiền của hàng chục người, với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Trong đó, có 23 bị hại đã xác định được rõ tên tuổi, người bị chiếm đoạt nhiều nhất là 100 triệu đồng, người ít nhất là 2 triệu đồng.
Trong đó, một hoàn cảnh tại tỉnh Thanh Hóa có con gái bị ung thư bị Phúc lừa 90 triệu đồng. Phúc chủ động gọi điện đến cho bị hại, sau đó tự xưng là nhân viên ngân hàng muốn ủng hộ gia đình. Sau khi lừa nạn nhân cung cấp thông tin thông qua đường link, Phúc đã chiếm đoạt số tiền trên.
Tại cơ quan công an, Phúc khai nhận chiếm đoạt 100 triệu đồng của chị Thảo bằng thủ đoạn tương tự. Theo đó, sau khi đọc báo thấy hoàn cảnh của chị Thảo được nhiều người giúp đỡ ủng hộ nên Phúc đã dùng một sim rác liên lạc với chị Thảo vào ngày 20/10. Phúc nói muốn hỗ trợ gia đình 6 triệu đồng nên đề nghị chị Thảo cung cấp số tài khoản.
Sau đó, Phúc nhắn một đường link cho chị Thảo và nói là tài khoản quốc tế nên bắt buộc nạn nhân phải đăng nhập các thông tin vào đường link này. Sau khi chiếm đoạt được thông tin, tiền của chị Thảo, Phúc gửi cho một số tài khoản khác để trả nợ hoặc tiêu xài cá nhân.
Cũng theo cáo trạng, 23 bị hại đã xác định được danh tính, địa chỉ có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong số này, có người bị ung thư, có trẻ mồ côi, gặp tai nạn giao thông hoặc bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị gấp…
Ngoài ra, Phúc khai nhận còn chiếm đoạt của nhiều người khác với số tiền gần 800 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự để xem xét xử lý khi có đủ điều kiện.
Tại phiên tòa, bị cáo Phúc đã khai nhận hành vi, thủ đoạn phạm tội của mình. Bị cáo sử dụng các tài khoản zalo, facebook, tham gia vào các nhóm từ thiện và thông qua các bài báo để khai thác thông tin của những hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua các tài khoản này, Phúc dùng để mua một số tài khoản ngân hàng, ví điện tử, sau đó lên mạng học cách thiết lập các web giả mạo, rồi trang trí giao diện như các giao diện của một số ngân hàng để lừa các bị hại. Đặc biệt, bị cáo nhờ phần mềm thay đổi giọng nói để gọi điện thoại đánh lừa các nạn nhân.
HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông nhận định, căn cứ vào các tài liệu và chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại tòa, có đủ căn cứ khẳng định bị cáo Nguyễn Văn Phúc sử dụng 2 tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc 15 năm tù giam về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, Phúc phải có trách nhiệm trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho những bị hại.
Nỗi đau người vợ chiến sĩ Rào Trăng: Kỷ niệm ngày cưới lại là ngày chia ly mãi mãi
Năm 2016, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lộc ra tỉnh Thừa Thiên Huế để học nghề. Trong thời gian này, anh và chị Thảo quen nhau, đến ngày 17/10/2017 thì kết hôn. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị về gia đình ngoại tại Quảng Trị sinh sống và làm việc, còn anh thì đi làm tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên anh Lộc ít khi ở nhà, chỉ tranh thủ cuối tuần, ghé qua nhà một chút để thăm vợ con rồi lại đi làm.
“Khi tôi sinh đứa con thứ 2 thì chuyển ra thuê phòng trọ ở TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Trong vòng 3 tháng, anh ấy chỉ về thăm mẹ con tôi vỏn vẹn được 2 lần, mỗi lần chỉ được vài tiếng đồng hồ. Tết Trung thu vừa qua, 2 vợ chồng ăn chung được bữa cơm và còn hẹn nhau đúng kỷ niệm 3 năm ngày cưới, anh ấy sẽ về với 3 mẹ con tôi”, chị Thảo nghẹn giọng.
Nhưng rồi, tai ương ập đến. Chị Thảo mất liên lạc với chồng từ ngày 9/10 khi miền Trung đang trong những ngày gồng mình chống chọi với mưa bão. Trong suốt thời gian này, chị vừa bế 2 con chạy lũ, vừa dò hỏi tin tức của chồng, trong lòng như lửa đốt khi những tin tức xấu từ thủy điện dồn dập đổ về.
“Một mình tôi ở nhà, 3 lần bế 2 con chạy lũ. Những lúc con ngủ, tôi lại lấy điện thoại ra gọi cho chồng. Không liên lạc được, tôi nhắn tin. Tin nhắn còn đấy mà anh ấy có đọc được đâu. Nhưng tôi biết làm sao được, 3 mẹ con, không ai bấu víu, chẳng biết phải đi đâu để tìm anh ấy”, chị Thảo bật khóc.
Đến ngày 12/10, khu vực nơi anh Lộc làm việc mới có điện trở lại. Chị Thảo bất ngờ nhận được tin báo của một người thân đang làm cùng chồng rằng anh Lộc là một trong những nạn nhân của vụ sạt lở.
“Tôi ôm con khóc, không tin được đó là sự thật nên tức tốc bế con đến Huế. Nhưng trên đường đi, tôi lại nhận được thông báo thi thể kia đã được một gia đình khác nhận. Vậy nên tôi về lại Quảng Trị và trong lòng vẫn hy vọng chồng mình còn sống”, chị Thảo kể.
Tuy nhiên, sự thật không như chị Thảo nghĩ. Chỉ mấy tiếng sau, chị nhận thông báo rằng gia đình kia nhận nhầm người và thi thể nói trên chính là chồng chị. Chị như ngã gục lúc nhận thi thể chồng.
“Sự việc diễn ra quá nhanh, thời gian bên cạnh anh ấy chỉ tính bằng giờ, bằng phút. Đáng lẽ hôm đó, vợ chồng tôi được quây quần bên nhau kỷ niệm 3 năm ngày cưới nhưng đó lại là ngày chia ly mãi mãi”, chị Thảo nghẹn ngào.
Được biết, ngày 10/11, Công an tỉnh Đắk Nông đã trao trả 100 triệu đồng cho chị Thảo. Đồng thời, cơ quan công an gửi lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ ân cần đến gia đình, mong muốn gia đình chị sớm vượt qua những đau thương, mất mát, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đại tá Hồ Văn Mười - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, qua vụ việc này cho thấy, đây là thủ đoạn không mới của tội phạm, lợi dụng thời điểm gia đình đang bối rối, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin mà các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.
“Vì vậy, mọi người dân cần nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện việc đăng nhập các đường link lạ, cung cấp tài khoản ngân hàng, mã chuyển tiền, mã pin cho bất cứ một người nào. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra, làm rõ những đối tượng lừa đảo, trừng trị trước pháp luật”, Đại tá Mười khuyến cáo.