“Thủ phủ” hoa lay ơn
Nằm cách TP Đà Lạt khoảng 8 km, làng hoa Định An đón khách bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang như một minh chứng cho tên gọi của làng. Ngôi làng nhỏ trông ra những triền đồi, cánh đồng hoa rộng lớn. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở thôn Định An là gần như nhà nào cũng tất bật bận rộn từ sáng đến tối.
Anh Vương Văn Năm (38 tuổi) cho biết: “Giờ đang là cuối vụ hoa lay ơn, giá cao nên phải tranh thủ thu hoạch chứ để ít bữa nữa là hư hết. Bán xong lại gieo giống cho vụ mới, lấy công làm lời thôi. Cũng nhờ loài hoa lay ơn này mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá, chứ trước đây trồng lúa cũng chẳng được bao nhiêu”.
Theo ông Vương Hưng Tuân, cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nông dân trong xã năm nay đã trồng được khoảng gần 400ha hoa lay ơn. Chi phí đầu tư cho 1.000m2 hoa lay ơn dao động từ 18 - 20 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng gieo trồng, nếu bán được với giá từ 2.000 đồng/cây trở lên sẽ thu về không dưới 20 triệu đồng/sào. Trong vụ hoa Tết năm trước, hoa lay ơn có giá bán lên tới 4.500 đồng/cây, điều đó khiến cho nhiều gia đình tự tin bước vào vụ hoa lay ơn, đặc biệt là trong dịp cận Tết.
Ở Định An, cây hoa bén rễ từ vài chục năm trước, nhưng chỉ giới hạn ở những khóm nhỏ quanh vườn, người trồng với mục đích chính là để thưởng ngoạn, làm cảnh. Đến nay diện tích cây hoa được mở rộng, thay thế các loài cây ít có giá trị trong vườn, các giống hoa ngày một tăng cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Giờ đây, bà con ở Định An có cơ hội chứng tỏ được sự năng động trong cơ chế thị trường, khi khắp xóm, khắp làng thắm sắc vườn hoa. Hoa lay ơn Định An được thương lái móc nối vận chuyển đến các tỉnh thành trong Nam cũng như ngoài miền Bắc như TP HCM, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hà Nội, Vũng Tàu… giúp cuộc sống của bà con thay da đổi thịt.
Cánh đồng hoa lay ơn bát ngát đang vào vụ thu hoạch. |
Đổi đời nhờ nghề trồng hoa
Bà Nguyễn Thị Thảo (62 tuổi) ở thôn Định An, một đại lý thu mua giống và hoa lay ơn có tiếng đã có thâm niên trong nghề hơn 30 năm nay chia sẻ: “Tôi quê gốc ở Cao Bằng nhưng đã vào thôn Định An, xã Đức Hiệp sinh sống theo gia đình từ khi còn trẻ tuổi. Ban đầu vô trong này cũng hoang sơ, nghèo khó lắm. Tôi cùng chồng đã phải làm mướn nhiều năm với đủ thứ nghề mới bám trụ ổn định ở đây bằng nghề trồng hoa. Hiện nhà tôi có 6 nhân công, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng”.
Theo chân bà Thảo, chúng tôi ghé thăm những gia đình có nhiều “duyên nợ” với nghề trồng hoa. Đó là bà Nguyễn Thị Sanh (em gái ruột bà Thảo), anh Vương Văn Vũ, chị Nguyễn Thị Thi, anh Nguyễn Văn Tiến.
Những hộ này có điểm chung là cơ ngơi khang trang, tiện nghi đầy đủ, tất cả đều do nghề trồng hoa, kinh doanh mang lại. Mỗi năm, trừ các loại chi phí và công sức lao động, mỗi hộ này thu về trên 100 triệu đồng từ việc trồng, buôn bán hoa. Nói như lời bà Nguyễn Thị Sanh: “Chỉ có cây hoa mới đem lại cho người Định An cuộc sống đủ đầy, sung túc”.
Tuy nhiên, nghề trồng, buôn bán hoa cũng lắm vất vả, rủi ro, đòi hỏi công phu, người trồng hoa cũng không ít nỗi niềm. Nhiều khi thị trường xuống giá, hoặc không tiêu thụ được thì cây hoa cũng chỉ để cho bò ăn. Không ít lần, nông dân Định An đã nếm trải vị đắng cay đó, mọi công sức, tiền bạc đầu tư đều bị đổ bỏ theo đống hoa trên đồng ruộng.
Mặt trời dần xuống núi, nhưng những người nông dân nơi đây đang miệt mài với và những hạt giống hoa và những bông hoa lay ơn màu vàng chanh, vàng lửa, đỏ tươi. Một vụ hoa mới lại sắp bắt đầu, họ gieo từng hạt giống hoa vào đất như họ đang reo niềm hạnh phúc, hy vọng cho cuộc sống thêm đậm đà sắc hương để làm cho Định An thêm giàu đẹp.